Xã hội
Cao Bằng: Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
02:30 PM 27/11/2018
Thời gian qua, việc trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật (NKT) được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cao Bằng (Sở Tư pháp) đẩy mạnh thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, góp phần giúp NKT nâng cao nhận thức về pháp luật, xóa bỏ rào cản về tinh thần, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có 8.076 NKT, trong đó, 3.533 NKT nặng. Phần lớn NKT sống ở vùng nông thôn, gặp nhiều khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Ngoài việc được hưởng các quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác, NKT cần được bảo vệ và thực hiện những quyền ưu tiên dành riêng cho họ.
Trong 7 năm (từ 2010-2017), Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện 20 vụ việc TGPL cho 20 đối tượng NKT, trong đó có 3 vụ được cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng cho 3 đối tượng NKT để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL. Theo đồng chí Lý Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, đa số vướng mắc của NKT về các chế độ bảo trợ xã hội dành cho NKT, các vấn đề liên quan đến quyền của NKT. Trong khi đó, việc tiếp cận các dịch vụ TGPL đối với NKT gặp nhiều khó khăn, chưa kể những trường hợp bị các dạng tật phức tạp (câm, điếc, mù), việc tiếp cận dịch vụ TGPL càng khó khăn. Nhìn chung, đa số NKT đều mong muốn được TGPL để nâng cao hiểu biết và nhận thức pháp luật, giúp họ tự bảo vệ hoặc nhờ đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong cuộc sống. 
Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện Quảng Uyên và các nhà hảo tâm tặng xe lăn cho người khuyết tật.
Trung tâm TGPL tỉnh tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động TGPL cho NKT như: truyền thông về TGPL và niêm yết, lắp đặt 310 bảng thông tin tại trụ sở cơ sở bảo trợ xã hội; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông TGPL lưu động, tư vấn trực tiếp tại cơ sở, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có NKT, cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu cho NKT. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho 700 cộng tác viên TGPL tại 5/13 huyện, Thành phố. Qua đó, NKT được hiểu biết, nâng cao kiến thức về pháp luật, tiếp cận và thụ hưởng kịp thời chính sách TGPL miễn phí. 
Đồng chí Nông Văn Sự, trợ giúp viên pháp lý Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chia sẻ: Việc TGPL không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn, tư vấn mà Trung tâm còn cử cán bộ TGPL đến tận nơi để khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu, vướng mắc của NKT, giúp họ hoàn thiện hồ sơ, thực hiện tư vấn hoặc làm đại diện thay người đó thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, liên hệ với cơ quan chức năng giải quyết những yêu cầu pháp lý của NKT, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NKT. 
Điển hình như vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Bà N.T.L và chồng cho cháu gái là T. vay 10 triệu đồng, việc vay tiền được ghi nhận bằng giấy vay tiền ngày 24/3/2007. Sau đó, chồng bà L. mất, bà L. gặp khó khăn do mù lòa, sống một mình; ngày 28/7/2010 bà nộp đơn ra Tòa án nhân dân huyện yêu cầu cháu gái trả số tiền trên. Đối với vụ việc này, tại giai đoạn hòa giải, trợ giúp viên pháp lý đến tận nơi bà L. sinh sống để tìm hiểu và giải thích cho bà L. và T. hiểu về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch tài sản, về hoàn cảnh của hai bên để đi đến thỏa thuận phương án phù hợp cho cả hai bên. Nhờ những phân tích của trợ giúp viên pháp lý, T. trả cho bà L. 10 triệu đồng; quyền lợi của bà L. được bảo đảm. 
Công tác TGPL cho NKT thời gian qua góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền của NKT. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn pháp lý cho NKT mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của NKT. Ước tính trên địa bàn tỉnh còn trên 60% NKT chưa được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, TGPL. Do có những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần nên NKT thường mặc cảm, tự ti, theo đó, sự hạn chế về trình độ văn hoá, điều kiện tiếp cận, khiến họ không thể thực hiện các thủ tục pháp lý để yêu cầu trợ giúp khi có những vướng mắc, tranh chấp pháp luật. 
Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, việc TGPL cho NKT gặp nhiều khó khăn. Dù Luật NKT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định: NKT là đối tượng được TGPL miễn phí, nhưng cũng theo Điều 44, Điều 45 của Luật NKT thì chỉ NKT nặng, NKT đặc biệt nặng mới được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ bảo hiểm y tế. Vì thế, đa số NKT nhẹ không đề nghị UBND cấp xã cấp giấy xác nhận khuyết tật, bởi vậy khi họ có nhu cầu TGPL, không có giấy xác nhận khuyết tật nên các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm TGPL chỉ tư vấn, hướng dẫn thủ tục giúp họ, không thể thực hiện các hoạt động nghiệp vụ như soạn thảo đơn thư, tham gia tố tụng... Bên cạnh đó, do việc đi lại, trao đổi của NKT hạn chế nên họ không thể chủ động đến các địa điểm TGPL lưu động, trung tâm hay chi nhánh để yêu cầu TGPL. Với trường hợp bị khuyết tật về nghe, nói, việc tiếp cận TGPL càng khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác TGPL cho NKT trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan về NKT tăng cường các hoạt động cụ thể, khả thi, phù hợp cho các dạng tật, đảm bảo 100% NKT được TGPL khi có nhu cầu. Tăng cường tổ chức TGPL lưu động tại nơi cư trú; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL đối với NKT. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung phong phú, hình thức phù hợp, tập trung vào các vụ việc TGPL cho NKT; bồi dưỡng năng lực và kỹ năng TGPL cho NKT đối với cán bộ thực hiện TGPL, hình thành các nhóm cộng tác viên TGPL chuyên trách cho NKT.
Tiến Mạnh