Văn hóa - Thể thao
Cảnh chen chúc, xô đẩy trên ‘’nóc nhà Đông Dương’’: Báo Anh lên tiếng
03:11 PM 07/11/2016
Báo Daily Mail của Anh đã có một bài viết về tình trạng quá tải khách du lịch trên đỉnh Fansipan và những nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng này.
Theo báo Daily Mail, khách du lịch chỉ cần mất 20 phút cáp treo là có thể lên tới đỉnh Fansipan, thay vì mất tới 2 ngày leo núi như trước kia. Chính vì sự tiện lợi này mà lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng đột biến kể từ tháng 2 vừa rồi (sau khi khánh thành tuyến cáp treo), nhưng đồng thời cũng dấy lên nỗi lo lắng về việc cảnh quan thiên nhiên ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ý thức kém của khách.
Nổi tiếng với biệt danh “nóc nhà Đông Dương”, du lịch Sa Pa bùng nổ những năm gần đây sau khi đường cao tốc nối Hà Nội - Lào Cai hoàn tất. Khách sạn mọc lên như nấm. Riêng ở thị trấn Sa Pa, số phòng nghỉ tăng vọt từ 2.500 năm 2010 lên 4.000 phòng năm ngoái. Số khách du lịch năm ngoái là 700.000, doanh thu 50 triệu USD, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2010. Sự tăng trưởng này là do hệ thống cáp treo được mở hồi tháng 2, với công suất phục vụ 2.000 người lên Fansipan mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó giám đốc trung tâm du lịch Sa Pa cho biết việc thu hút khách du lịch tới Sa Pa sẽ góp phần tạo ra việc làm cho hàng nghìn người địa phương, đặc biệt là phục vụ trong ngành du lịch. Tuy nhiên, do sự phát triển bộc phát của các khách sạn, nhà nghỉ nên chủ yếu nhân lực ở đây đều phục vụ cho ngành xây dựng trong thời điểm này. Ma A Tro, một hướng dẫn viên du lịch người Hmông, tâm sự: “Khi chưa có cáp treo, nhiều người trong làng có việc làm thường xuyên bằng nghề khuân vác. Giờ có cáp treo rồi, người làng không có việc làm nữa, hầu hết trở thành thợ xây tự do”.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng một cách chóng mặt để phục vụ du lịch cũng góp phần mang lại trạm xá y tế, trường học, đường sá cho người dân địa phương ở Sa Pa. Tuy nhiên nó cũng gây nên hệ lụy là cảnh quan thiên nhiên ở đây đang bị phá hủy một cách ồ ạt, thay vào đó là những bậc thang xi măng, đường lát bê tông xấu xí. Vẻ đẹp của Sa Pa và đỉnh Fansipan cũng đã mất đi giá trị vốn có của nó trong mắt nhiều khách du lịch, thay vào đó nhiều người chỉ có mục đích đến đây để check-in và chụp ảnh khoe lên mạng xã hội hơn là thực sự cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
Rõ ràng nếu ngành du lịch không phát triển bền vững và có cái nhìn sâu rộng hơn trong tương lai, Sa Pa sẽ “tự hủy hoại mình”, theo lời Hubert de Murard, Giám đốc một khu nghỉ dưỡng cách thị trấn Sa Pa 18 km.
Theo news.zing.vn