Xã hội
Cần xem xét điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia
03:21 PM 07/03/2019
(LĐXH) Ngày 6/3/2019, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan tổ chức Tọa đàm về một số nội dung trong dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”.
Tham dự Tọa đàm có đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các chuyên gia kinh tế, pháp luật, đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia.
Buổi Tọa đàm diễn ra với mục đích trao đổi và tham vấn ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp và các chuyên gia về một số nội dung trong dự án luật để góp phần hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tích cực, khả thi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; lợi ích kinh tế của nhà nước và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Các nội dung chính trong dự án Luật được đề cập tới trong Tọa đàm gồm: các quy định cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ đối với rượu, bia; Quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet; các quy định quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam phát biểu

tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam nhận định, một số nội dung trong Dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” cần được xem xét, điều chỉnh. Đó là các quy định cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ đối với rượu, bia.
Ông Việt đề nghị sửa đổi quy định “cấm quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày” thành “hạn chế quảng cáo trên truyền hình từ 19:00 đến 20:00” vì tỷ lệ trẻ thành niên xem truyền hình sau 20 giờ là rất thấp.
Quy định “hạn chế các phương tiện quảng cáo đặt ngoài trời trong bán kính 500m tính từ cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi” không khả thi do mật độ các cơ sở này trong thành phố cao. Do vậy, đề nghị sửa đổi thành: “Hạn chế các phương tiện quảng cáo đặt ngoài trời trong bán kính 200m tính từ cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi”.
Mặt khác, với quy định “các nội dung mà quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn không được thể hiện” có một số nội dung như “Có thông tin, hình ảnh uống… rượu, bia có tác dụng tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tính”, hay “có hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi” sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và hạn chế quyền chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, không phù hợp với Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Toàn cảnh tọa đàm về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia
Bên cạnh đó, kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy việc cấm quảng cáo sẽ không có hiệu quả đối với một nhóm thiểu số những cá nhân có hành vi lạm dụng đồ uống có cồn. Theo số liệu thống kê và kinh nghiệm ở các nước khác, việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn thực tế không có tác động đến lượng tiêu thụ các sản phẩm này.
Đại diện Công ty Heineken đề nghị xem xét bỏ quy định tại Điều 10 của dự thảo “cấm khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ trực tiếp đến người tiêu dùng” bởi quy định này sẽ tạo ra mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế. Hơn nữa, bia không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc đưa ra các quy định hạn chế đối với bia là hoàn toàn trái với các quy định pháp luật hiện hành.
Quy định “cấm khuyến mại bia trực tiếp đến người tiêu dùng” không những làm hạn chế tính linh hoạt của thương nhân mà còn mâu thuẫn với tinh thần của Chính phủ trong việc tháo gỡ những bất cập cho các doanh nghiệp; đồng thời làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế, mất đi quyền lợi của người tiêu dùng, không đáp ứng được mục tiêu của Luật là “giảm sử dụng ở mức có hại”.
Do vậy, đại diện Heineken cho rằng, cần xem xét bỏ quy định “cấm khuyến mại bia trực tiếp đến người tiêu dùng”. Dự thảo cần hướng đến những quy định hạn chế những chương trình khuyến mại có nguy cơ dẫn đến hành vi lạm dụng đồ uống có cồn.
Một nội dung trong dự thảo Luật được nhiều đại biểu đề nghị xem xét xóa bỏ là quy định hạn chế tài trợ “không được tài trợ bằng sản phẩm bia; không được có tên sản phẩm rượu, bia; hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ”. Theo đại diện các doanh nghiệp, tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia là một thông lệ phổ biến, đặc biệt là trong các lễ hội ẩm thực hoặc các sự kiện trao đổi văn hóa ẩm thực, thường được tổ chức bởi các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán và hiệp hội, nhằm gia tăng sự hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ thân hữu giữa người Việt Nam và bạn bè quốc tế; đồng thời góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
Việc cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại và tài trợ sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi sử dụng ở mức có hại tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Lễ ký kết thỏa thuận nguyên tắc áp dụng đối với nhân viên quảng bá thương hiệu ngành bia.
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét bỏ quy định “bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet”. Theo các chuyên gia pháp luật, hoạt động kinh doanh rượu, bia hiện không bị cấm bởi bất kỳ văn bản pháp luật nào tại Việt Nam. Hơn nữa, Internet thực chất chỉ là một công cụ để thực hiện hoạt động kinh doanh. Vì thế, quy định cấm các doanh nghiệp hợp pháp được sử dụng Internet để thực hiện các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là không phù hợp.
Hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đều cho phép bán rượu, bia trên Internet, không phân biệt nồng độ cồn, trong đó có các nước như Pháp, Đức, Anh, và Mỹ. Khu vực châu Á, Trung Quốc, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Philppines, và Singapore cũng cho phép bán rượu, bia trên Internet.
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho phép bán đồ uống có cồn trên Internet cho thấy, việc cho phép bán rượu, bia qua Internet giúp cải thiện tính minh bạch và hỗ trợ công tác thu thuế khi việc thanh toán được thực hiện bằng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản, từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch của hệ thống thuế.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, dự luật cần tăng cường quản lý sản xuất đồ uống có cồn thủ công, kiểm soát tốt hoạt động nấu rượu thủ công, bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% là rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách. Theo Bộ Y tế, mỗi năm Nhà nước thất thu khoảng 2.000 tỷ đồng từ rượu không mác nhãn. Còn theo báo cáo của công ty Nghiên cứu Eurmonitor, tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam khoảng 441 triệu USD/ năm (hơn10.000 tỷ đồng).
Vì vậy, các đại biểu cho rằng, Luật cần có những quy định cụ thể, khả thi phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.
Các đại biểu hy vọng cơ quan chức năng lắng nghe những đóng góp của các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, xem xét, điều chỉnh dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” để tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Thảo Lan