Sức khỏe - Đời sống
Cần ứng dụng khoa học kỹ thuật để quản lý, ngăn ngừa các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm
06:28 PM 27/04/2023
(LĐXH)- Ngày 27/4/2023, tại Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam phối hợp cùng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Ba Đình tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm và hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023”.
Tham dự Hội thảo có BCH Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng đại diện của: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát Triển Nông thôn, Chi cục ATVSTP các tỉnh/thành phố, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp Hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Rượu bia nước giải khát Việt Nam, Hiệp Hội nước mắm Việt Nam, Hiệp Hội thực phẩm chức năng Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong ngành thực phẩm cùng gần 400 doanh nghiệp sản xuất chế biến trong nước và các doanh nghiệp hàng đầu trong cung ứng nguyên liệu, phụ gia trên toàn cầu.
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, những năm qua, các đoàn kiểm tra từ trung ương đến địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra đột xuất theo chuyên đề đối với các tập thể, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm; đồng thời tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm phụ gia, thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn của gần 4.000 cơ sở, nộp ngân sách nhà nước lên đến 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2022.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, qua việc đánh giá tổng thể trong các báo cáo về vệ sinh, an toàn thực phẩm hằng năm của Bộ Y tế, nhìn chung, tình trạng sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, việc sản xuất thực phẩm “bẩn” sẽ khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm gặp khó khăn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự bất công đối với các nhà sản xuất uy tín, trách nhiệm…
Quang cảnh Hội thảo
Theo Tiến sĩ Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, Muốn ngăn chặn thực trạng này cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý. Thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã xây dựng các luận cứ, đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật để khẳng định và công bố những sản phẩm thực sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Tiến sĩ Lê Văn Giang nhấn mạnh:“Chúng ta cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để chỉ ra các mức độ giới hạn an toàn tuyệt đối cho phép của thực phẩm đối với sức khỏe con người. Khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực phẩm phải bước vào các quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, của cơ sở để phòng ngừa, gạt bỏ các mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm”.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng cho rằng, ngoài các mối nguy ô nhiễm thực phẩm sẵn có như: Vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, hóa chất vô tình nhiễm vào thực phẩm hoặc tự sinh ra trong thực phẩm, còn có những hóa chất được bổ sung do quá trình sản xuất gian đối như: Kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kháng sinh… Đây là mối nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, giải pháp được đưa ra là tăng cường kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và loại bỏ những thực phẩm mất an toàn.
Theo các đại biểu tại hội thảo, an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, do đó cần ngăn chặn các hành động tiếp tay cho thực phẩm “bẩn”, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho toàn xã hội, cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để nâng cao hiểu biết và thực hiện theo các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Lực lượng chức năng kiểm tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho biết: Hiện nay, an toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.
Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về thực phẩm dinh dưỡng tại Việt Nam, đặc biệt sản xuất và kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và sản phẩm cho đối tượng cần chăm sóc đặc biệt, ban lãnh đạo công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã ban hành kế hoạch hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với các nội dung:
- Chất lượng nguyên vật liệu: tăng cường đánh giá ATTP các đơn vị, các nhà cung cấp nguyên vật liệu, bao bì nhằm đảm bảo chỉ những nguyên vật liệu và bao bì đạt tiêu chuẩn khắc khe về chất lượng & ATTP của Nutifood với nguồn gốc rõ ràng mới được duyệt và mua hàng.
- Hệ thống chất lượng & ATTP trong quá trình sản xuất: rà soát quy trình kiểm soát rủi ro chất lượng & an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP), đầu tư nâng cấp điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (hạ tầng), kiểm tra sự tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh cá nhân, thực hiện hoạt động thẩm định, thẩm tra chất lượng, đánh giá hệ thống chất lượng và ATTP trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng & ATTP cũng như tuân thủ tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng & ATTP theo FSSC phiên bản 5.1, ISO 9001: 2015.
- Kiểm soát chất lượng & ATTP chuỗi cung ứng: Doanh nghiệp đã và đang triển khai áp dụng hệ thống ứng dụng SAP (System Application Programing) từ quá trình mua hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu kho và phân phối với mục đích tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng & truy suất nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào, kiểm soát sự tuân thủ đúng liều lượng sử dụng các thành phần nguyên liệu, đặc biệt các thành phần vi lượng dành cho đối tượng trẻ sơ sinh, kiểm soát chất lượng bán thành phẩm, thành phẩm và kiểm soát điều kiện sản xuất để sản phẩm đầu ra đạt chất lượng & ATTP theo tiêu chuẩn sản phẩm.
- Nâng cao năng lực quản lý chất lượng kho & phân phối: Doanh nghiệp đã và đang triển khai ứng dụng WMS vào việc quản lý kho, nâng cao quản lý tuân thủ các điều kiện bảo quản và tuân thủ nguyên tắc FEFO nhằm đảm bảo chất lượng nguyên vật liệu, tăng cường kiểm soát điều kiện bảo quản thành phầm và nguyên tắc FIFO thành phẩm trong quá trình lưu trữ và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
- Doanh nghiệp cam kết tuân thủ các nội dung liên quan đến luật thực phẩm, luật ghi nhãn, luật quảng cáo đảm bảo các thông tin đều mình bạch giúp cung cấp các sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh các hoạt động duy trì chất lượng nội bộ, công ty cổ phân thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tăng cường hợp tác với các tổ chức y tế, Viện nghiên cứu Nutifood Thụy Điển, Viện Nghiên Cứu Dinh Dưỡng TP.HCM để nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt cho từng lứa tuổi và các bệnh lý khác nhau, đóng góp vào sự phát triển thể chất toàn diện của người Việt Nam./.
Thảo Lan