Xã hội
Cần Thơ: Trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
01:46 PM 18/11/2021
(LĐXH) - Triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản chính sách liên quan, thành phố Cần Thơ đã tích cực lồng ghép các kế hoạch, dự án, đề án, chương trình trợ giúp người khuyết tật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Hội NKT TP Cần Thơ tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12
Thành phố Cần Thơ đã tập trung triển khai thực hiện xác nhận khuyết tật theo đúng quy định. 83/83 xã, phường, thị trấn đều thành lập Hội đồng xác nhận khuyết tật cấp xã. Tính đến thời điểm hiện nay đã cấp mới và cấp lại cho trên 68.000  giấy xác nhận khuyết tật (trong đó, cấp mới 52.919, cấp lại do chuyển mức hưởng từ khuyết tật nặng sang khuyết tật đặc biệt nặng 10.308; cấp lại do mất giấy xác nhận khuyết tật 5.499) cho 250.541 lượt người khuyết tật. Thực hiện chăm sóc sức khỏe, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Tại Trung tâm Y tế cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã, thông tin cơ bản tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, người thân bằng những tờ rơi, tờ bướm và biểu bảng quanh trụ sở, nơi công cộng cho nhân dân trên địa bàn nắm và thực hiện. Ngoài ra, còn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật để thường xuyên theo dõi, thăm hỏi và hỗ trợ giúp các đối tượng ổn định và chăm sóc sức khỏe tốt. Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn, rà soát gia hạn và cấp mới theo quy định, chế độ khám chữa bệnh luôn được đảm bảo từ tuyến xã, huyện, thành phố. Trung bình hàng năm ngân sách đảm bảo 100% đối tượng khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ.
Cùng với đó, công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật cũng được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 01 Bệnh viện phục hồi chức năng. Ngoài ra, còn tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại địa phương thông qua Trung tâm y tế cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã để hỗ trợ và phục vụ kịp thời cho người khuyết tật đối với các trường hợp bệnh đã ổn và chuyển tuyến khi cần thiết. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Cần Thơ tổ chức các buổi tầm soát bệnh hiểm nghèo, khuyết tật bẩm sinh trên địa bàn, qua đó nắm và lập danh sách đối tượng hỗ trợ, điều trị kịp thời. Thực hiện tuyên truyền, lồng ghép trên Đài Truyền thanh, qua tuyên truyền, phổ biến người thân, gia đình, cán bộ, công chức và tập thể y sỹ, bác sỹ các kiến thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng phục hồi và thái độ tích cực nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật. Hàng năm, tổ chức hỗ trợ xe lăn, xe lắc, máy trợ thính cho người khuyết tật.
Các chính sách trợ giúp về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được quan tâm. Ngành GDĐT thành phố luôn chú trọng công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giúp các em được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng, hòa nhập xã hội. Thành phố Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, mạng lưới trường lớp được bố trí khá hợp lý, đảm bảo thu hút hầu hết các cháu trong diện tuổi ra lớp, học sinh khuyết tật ra lớp hoà nhập. Người khuyết tật được tạo điều kiện thuận lợi tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, tiếp cận các công trình công cộng.
 Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác trợ giúp xã hội. Trong 10 năm, thành phố đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 2.393.577 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí 1.264,012 triệu đồng, trong đó có 250.541 lượt người khuyết tật; nhận nuôi dưỡng 117.576 lượt người khuyết tật; cấp 250.541 thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%; nuôi dưỡng 61.656 lượt người khuyết tật tại 04 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Công tác thu thập, cập nhật thông tin, quản lý thông tin về người khuyết tật được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trên phần mềm MISPosasoft quản lý bảo trợ xã hội và giảm nghèo. Trong đó, quản lý thông tin về người khuyết tật hưởng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH thành phố Cần Thơ, Luật Người khuyết tật có hiệu lực thi hành giúp cho nhiều đối tượng người khuyết tật được hưởng chính sách, chế độ an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho nhiều hoàn cảnh gia đình giảm bớt khó khăn, chia sẻ và đồng hành cùng đối tượng, giúp họ có ý chí vươn lên, sống và lao động phù hợp với sức khỏe của bản thân. Luật Người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn phát huy nhiều ưu điểm về trình tự, thủ tục thực hiện, điều kiện xét duyệt, đối tượng thụ hưởng và chế độ chính sách được quy định cụ thể (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du dịch, nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông…), hiệu quả trong thực tế áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai chính sách trợ giúp người khuyết tật ở Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác xác minh, xét duyệt một số trường hợp đối tượng như: ung thư, chạy thận, bị động kinh, thần kinh - tâm thần… việc xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật còn gặp khó khăn; Các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều rào cản về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục học sinh khuyết tật, dạy nghề cho học sinh khuyết tật; hệ thống  trường, lớp học, thiết bị dạy học dành riêng cho NKT chưa đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ, đặc biệt tài liệu và thiết bị dạy học đặc thù cho học sinh khuyết tật còn thiếu, nhiều trường chưa có phòng hỗ trợ học sinh khuyết tật hoà nhập cho học sinh; Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên làm công tác giáo dục hoà nhập chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về giáo dục hoà nhập cho từng dạng tật cụ thể, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ khuyết tật.
Thêm vào đó là một số phụ huynh không chấp nhận những hạn chế của con em mình, không muốn đưa con em đi khám, xác định khuyết tật nên không có giấy chứng nhận là trẻ hòa nhập nên chưa thực hiện các kế hoạch giáo dục cá nhân đối với đối tượng này, hoặc phụ huynh không muốn con học hoà nhập với học sinh bình thường (đặc biệt với với trẻ mầm non). Do đó, chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, cũng như các chính sách ưu đãi đối với các giáo viên tham gia dạy các trẻ học hòa nhập này không thể thực hiện được.
Trong thời gian tới, thành phố đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định: Kiến nghị hợp nhất Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và Hội đồng trợ giúp xã hội cấp xã. Thực tế công chức Văn hóa - Xã hội thực hiện toàn bộ thủ tục đưa thành viên Hội đồng ký và thành viên của hai Hội đồng gần như giống nhau./.

Hồng Phượng