Lao động
Cần Thơ: Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19
10:19 AM 18/10/2021
(LĐXH) - Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND thành phố Cần Thơ đã liên tục tổ chức các hội nghị, ban hành nhiều văn bản để tăng cường hiệu quả thực hiện ở các ngành và cơ sở, giúp người dân vơi bớt khó khăn.
Hiện nay, toàn thành phố có 71/170 DN đang hoạt động, tỷ lệ 41,76% với 7.243/40.526 lao động, chiếm 17,87%. Trong đó, có 99/170 DN tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 58,24%; 33.283/40.526 lao động tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 82,13%. Đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại ngoài khu CN: Hiện có 189/997 DN đang hoạt động, chiếm 18,96% với tổng số lao động 7.596/31.432 lao động, chiếm 24,17%.
Trao tiền hỗ trợ cho người bán vé số thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến ngày 13/10/2021, thành phố Cần Thơ đã thực hiện 11/12 chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (riêng chính sách Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2758/SLĐTBXH-LĐ ngày 11 tháng 8 năm 2021 tổ chức triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh hồ sơ đề nghị) qua đó đã hỗ trợ cho 3.671 người sử dụng lao động, 170.916/231.183 lượt người, với kinh phí trên 231,3 tỷ đồng/361,5 tỷ đồng, đạt 73,93% so với số lượng được phê duyệt, cụ thể:
* Nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội (gồm các chính sách: 1, 2, 3 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã hoàn thành hỗ trợ 3.658 người sử dụng lao động với 77.596 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 39,5 tỷ đồng.
* Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã phê duyệt hỗ trợ 151.620 lượt người, kinh phí trên 314,3 tỷ đồng; đến nay đã chi hỗ trợ cho 91.353 lượt người, kinh phí trên 184,1 tỷ đồng, đạt 60,95% so với số lượng được phê duyệt.
* Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã giải ngân cho 13 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 1.967 lượt người lao động với số tiền cho vay là 7 tỷ 670,46 triệu đồng.
Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tính đến hết ngày 14/10/2021, Cần Thơ đã tiến hành giảm mức đóng vào quỹ BHTN cho 3.040 đơn vị và 64.488 lao động với tổng kinh phí dự kiến là 46.242.415.812 đồng. Riêng đối với người lao động đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, đến hết ngày 14/10. Toàn thành phố đã tiếp nhận 4.970 mẫu đơn đề nghị hưởng chính sách của người lao động. Trong đó, đã giải quyết 853 hồ sơ với số tiền 3.238.600.000 đồng.
Bên cạnh đó thành phố cấp phát 2 đợt với 5.015.490kg gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ hỗ trợ 334.366 người dân gặp khó khăn về lương thực; hỗ trợ 1.800 hộ khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với mức 500.000 đồng/hộ, kinh phí 900 triệu đồng; hỗ trợ 3.167 hộ nghèo, cận nghèo, mức 900.000 đồng/hộ, kinh phí 2,85 tỉ đồng; hỗ trợ khẩn cấp người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do dịch, mức 500.000 đồng/người. Cùng với đó, tổ chức thăm, tặng quà và hỗ trợ các trẻ mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19 với mức 5 triệu đồng/em từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, MTTQVN các cấp cùng các tổ chức thành viên, tôn giáo, các ban, ngành có nhiều hoạt động thiết thực lan tỏa yêu thương, như: hỗ trợ suất ăn miễn phí cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm phong tỏa, khu cách ly; tặng lương thực, nhu yếu phẩm, rau củ quả cho hộ nghèo, khó khăn, trong khu vực phong tỏa… Các hội, đoàn thể duy trì mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Chợ 0 đồng”, “Bếp yêu thương”, “Chuyến xe yêu thương”, “Túi thuốc yêu thương”, “ATM gạo”... để san sẻ khó khăn với người dân. Theo bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, các cấp Hội Phụ nữ không chỉ phối hợp hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà còn tham gia vận động xã hội hóa gần 12 tỉ đồng hỗ trợ người dân.
Người dân khó khăn ở quận Ninh Kiều đến nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ tại một điểm phát gạo tại phường An Khánh
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp, thành phố Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các ngành, các cấp trong toàn thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nên ít nhiều đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tiến độ triển khai chính sách còn chậm do thiếu kinh phí (thành phố bổ sung kinh phí về quận, huyện còn chậm). Công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện việc hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được kéo dài hơn so với Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020 nên người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới thực hiện, chưa chủ động thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia nên số lượng ở một số chính sách còn ít hoặc chưa phát sinh. Người lao động và người sử dụng lao động cũng chưa thực sự hiểu hết các chính sách, do đó, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Công tác rà soát, lập danh sách, niêm yết danh sách hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg phải mất nhiều thời gian, nhân lực thực hiện. Một số địa phương chưa nghiên cứu sâu văn bản nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn, giải thích để người lao động hiểu về chính sách, đặc biệt là xác định công việc chính và điều kiện để được hỗ trợ đối với lao động tự do theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
Ngoài ra, đối với các trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại các khu cách ly tập trung thì việc thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền ăn cho (F1) đang thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định tại Điều 27, Chương VII, Quyết định số 23/QĐ-TTg đang gặp khó khăn là việc thu thập giấy tờ tùy thân của người đi cách ly tập trung. Vì trên thực tế khi đưa đi cách ly tập tập trung, do tâm lý không ổn định nên nhiều trường hợp người dân không mang theo giấy tờ tùy thân, mặc dù cán bộ phụ trách quản lí tại các cơ sở cách ly đã hướng dẫn người dân bổ sung để hoàn thành thủ tục hồ sơ (kể cả chụp hình giấy tờ gửi qua điện thoại cũng được) nhưng vẫn không thể bổ sung do có trường hợp cả gia đình đi cách ly hoặc mất giấy tờ tùy thân.
Có thể nói, cùng với việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực, thành phố Cần Thơ đã và đang đồng lòng vừa phòng, chống dịch vừa giúp những người nghèo, người dễ bị tổn thương vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống; qua đó góp phần chung tay thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn./. 
Nam Khánh