Xã hội
Cần thiết phải ban hành Luật Công tác xã hội
10:20 AM 13/12/2018
(LĐXH) Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành lấy ý kiến đóng góp cho hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công tác xã hội được Bộ LĐTBXH tổ chức chiều ngày 11/12/2018.
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội; ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, các bộ, ngành và thành viên tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật  CTXH.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc ban hành Luật Công tác xã hội là thực sự cần thiết, không chỉ đối với lĩnh vực bảo trợ xã hội mà còn liên quan đến nhiều đơn vị được hưởng thụ trong Luật này ở Bộ LĐTBXH và các cơ quan liên quan. Trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội hiện nay, để đảm bảo an sinh xã hội thì việc phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, ban hành Luật là đòi hỏi cấp thiết. Triển khai Quyết định 32 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện, quy định của các luật đã ban hành cùng các văn bản hướng dẫn; hệ thống dịch vụ CTXH đã được hình thành ở các tỉnh, thành phố, bao gồm cả cán bộ, nhân viên trong các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm CTXH, đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng, ở trong trường học, các bệnh viện; việc đào tạo nghề CTXH chuyên nghiệp đã được phát triển tại một số trường đại học, cao đẳng. Các chương trình đào tạo từ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho người làm CTXH.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Cùng với đó, kỹ năng CTXH, nhân viên tư vấn CTXH, một số địa phương đã quan tâm bố trí nhân viên, cộng tác viên ở cơ sở, đặc biệt tham gia hoạt động an sinh xã hội. Hiện vẫn còn thiếu văn bản pháp quy có tính hệ thống, mang tính thống nhất chung để làm căn cứ cho các địa phương có thể triển khai một cách mạnh mẽ hơn, đồng thời chủ động hơn trong phát triển nghề CTXH.
Để thúc đẩy và phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở nước ta rất cần sự tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật CTXH nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế xã hội hóa, tạo lập môi trường pháp lý, huy động được các cơ sở ngoài công lập thực hiện trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các đại biểu đại diện các bộ, ngành xem xét cho ý kiến đối với Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CTXH, tập trung làm rõ một số vấn đề như: Nội dung, quy trình về hành nghề CTXH, người hành nghề CTXH; đạo đức nghề CTXH; Việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề CTXH; Việc thành lập, tổ chức hoạt động, giải thể các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; Quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH của các tổ chức, hiệp hội; Quản lý nhà nước về lĩnh vực CTXH.
Ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày báo cáo đánh giá tác động Luật CTXH. Hiện nay, có một số luật cũng đã đề cập tới công tác bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội nhưng chưa quy định cụ thể về công tác xã hội. Do đó, cần thiết phải có một đạo luật về hoạt động nghề nghiệp CTXH nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.  
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực đối với công tác xây dựng đề cương chi tiết của Dự thảo Luật CTXH. Các đại biểu đều đánh giá cao những  tâm huyết và công phu của tổ soạn thảo; thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật để thực hiện Hiến pháp năm 2013 về quyền an sinh xã hội của công dân... Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh Luật này cũng liên quan tới rất nhiều Luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật trẻ em, Luật Người khuyêt tật. Do đó, Tổ soạn thảo cần phải rà soát tất cả các Luật liên quan để tránh chống chéo trùng lặp, không quy định lại các quy định mà các văn bản luật khác đã quy định.
Góp ý với Dự thảo hồ sơ, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, Tổ nghiên cứu, Ban soạn thảo Luật đã có sự chuẩn bị chu đáo về hồ sơ. Hồ sơ tài liệu đủ theo quy định gồm báo cáo tổng kết thực tiễn, tờ trình, đánh giá tác động chính sách và dự thảo luật. Tuy nhiên, về tên gọi, căn cứ vào phạm vi và đối tượng điều chính quyết định tên gọi của Luật. Tại sao gọi là Luật CTXH mà không nghiên cứu xem xét là Luật về dịch vụ CTXH, ai là người đưa ra dịch vụ, ai là người cung cấp dịch vụ, ai là người thụ hưởng và cơ chế chính sách là gì. Nhất là trong điều kiện xu hướng chuyên nghiệp hóa nghề CTXH, xoay quanh vấn đề cung cấp dịch vụ CTXH. Bên cạnh đó, cần phải thông tin và truyền thông nhiều hơn về vấn đề này để tạo sự đồng thuận, người dân nhận thức được rằng CTXH là gì, bản chất là gì; là ngành nghề kinh doanh có điều kiện không. Ngoài ra, cần có những quy định cụ thể như trong các luật đã ban hành, vai trò cụ thể của nhân viên CTXH, tính chuyên nghiệp của nhân viên CTXH. Điều quan trọng là phải có lộ trình, không thể nóng vội vì đây là một lĩnh vực mới./.

Thu Hương