Xã hội
Cần sớm hoàn thiện và đưa tài liệu về hỗ trợ trẻ em tự kỷ vào cuộc sống
04:11 PM 22/09/2018
(LĐXH) - Thực hiện mục tiêu của Nhà nước về việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo Hoàn thiện đề cương tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Chương trình được đồng khởi xướng và tài trợ bởi Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà giáo,
đội ngũ chuyên gia quan tâm đến vấn đề tự kỷ ở trẻ em

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Song theo cách tính của Tổ chức WHO, con số này tầm khoảng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. Báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 đã thống kê số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó, xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000. Vấn đề này đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn cho nhiều nhà khoa học, nhiều nhà giáo dục và những người đang hàng ngày hàng giờ nghiên cứu để hạn chế sự gia tăng nhanh chóng của nó. Tự kỷ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đến sự phát triển về con người theo đúng nghĩa. Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Điển hình như ở Mỹ, trước đây tỷ lệ này là 1/1.000 thì nay đã tăng lên 1/68 từ 2012.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng tới thời điểm này, vấn đề tự kỷ đã được sự quan tâm của cả cộng đồng, mặc dù cơ sở pháp lý còn một số bất cập nhưng chúng ta đã và đang từng bước quan tâm nhiều hơn đến tự kỷ thông qua việc xây dựng các trường, các trung tâm công lập và tư nhân nhằm chăm sóc và trị liệu tốt hơn cho trẻ. Việc dạy trẻ tự kỷ tại các trường, các trung tâm cũng như cách chúng ta dạy con trong gia đình mình, với mỗi trẻ có phương pháp, cách thức dạy, cách để trẻ học, trẻ chơi khác nhau. Hiện nay các trung tâm, các trường đang áp dụng các phương pháp, cách thức khác nhau, chưa có bộ tài liệu chuẩn chung để áp dụng thành công cho các trường, các trung tâm. Ở nhiều địa phương, nhiều gia đình do điều kiện kinh tế, thời gian của bố mẹ có hạn nên việc áp dụng phương pháp trị liệu khác nhau, có những gia đình ở thành phố hay nông thôn thì gặp nhiều trường hợp trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể do quá bận nên phải giao khoán việc chăm sóc trẻ cho các ông bà. Cách điều trị, chăm sóc ở các vùng miền, các tỉnh/thành phố khác nhau nên mức độ tiếp nhận của trẻ vì vậy cũng khác nhau. "Việc đảm bảo một liệu trình can thiệp bền vững, giảm thiểu hành vi, xây dựng và củng cố những tác động tích cực giúp trẻ tiến bộ là khó thực hiện, đôi khi ở những trẻ em này sẽ là sự phát triển thụt lùi, kèm với những rối loạn giác quan ngày càng nghiêm trọng. Điều đó là một bộ phận không nhỏ gây ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển xã hội sau này, là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội", Thứ trưởng Hà chia sẻ thêm.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các em Trường Mầm non chuyên biệt Từ Sơn

Trước thực tế trên, Quỹ BTTEVN với sự đồng hành của PNJ đã khởi xướng Dự án“Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” trong 5 năm (2018 - 2022) nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ em tự kỷ, đồng thời tuyên truyền vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ, từ đó tạo cơ sở đề xuất chính sách cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Trên cơ sở đó cũng có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến nhóm trẻ tự kỷ.

Giám đốc Qũy BTTEVN thông tin về các mục tiêu dự án hướng tới trước mắt và lâu dài

Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. Riêng trong năm 2018, dự án tập trung hoàn thiện bộ tài liệu để sớm đưa tài liệu vào cuộc sống./.

     Đăng Doanh