Lao động
Cần đảm bảo quyền của lao động nữ di cư
04:29 PM 20/12/2018
(LĐXH) - Sáng ngày 20/12/2018, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với ActionAid Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam và tổ chức RLS tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến kết quả nghiên cứu về quyền của nữ lao động di cư, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, các chuyên gia tư vấn, một số vùng dự án như Hải Phòng, TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều người dân từ nông thôn lên thành phố với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn. Kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2015 cho thấy, có 13,6% dân số cả nước là người di cư, trong đó 17,3% người di cư ở độ tuổi lao động từ 15-59 tuổi. Đa số người di cư có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn, chiếm 79,1% tổng số người di cư. Người di cư thường không có trình độ chuyên môn kỹ thuật nên hầu hết làm những công việc giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật.
Các đại biểu chủ trì hội thảo
Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, UNDP năm 2016 cũng đều chỉ ra rằng, lao động đi cư, đặc biệt là lao động nữ là một trong những lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi bởi mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay mặc dù họ tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức. Nhiều người di cư không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội, bao gồm lao động, việc làm và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; bảo trợ xã hội; các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó là việc có thu nhập không ổn định và bấp bênh từ những công việc chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí là không có hợp đồng.
Trong những năm gần đây, các hiệp định tự do thương mại được Việt Nam ký kết có các yêu cầu bảo vệ lao động, đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam khi các doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài và hạn chế người lao động tiếp cận các phúc lợi xã hội. Thêm vào đó, nhiều công nhân không hiểu về các quy định của pháp luật lao động trong nước và quốc tế, hoặc quyền lợi của họ được hưởng như bảo hiểm y tế, các chế độ phúc lợi khác.
Trước thực trạng trên, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã  hội đã đề xuất thực hiện Dự án “Thúc đẩy quyền xã hội toàn cầu cho lao động nữ di cư tại Việt Nam”, với mục tiêu là thúc đẩy quyền của lao động nữ di cư và khả năng tiếp cận các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ di cư ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham gia ý kiến
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cũng mong muốn, tại Hội thảo các đại biểu trong nước và quốc tế thảo luận, đóng góp ý kiến xung quanh các vấn đề: Thực trạng luật pháp, chính sách an sinh xã hội dành cho lao động nữ di cư hiện nay; Thực trạng lao động nữ di cư hiện đang tiếp cận các dịch vụ về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản; Mức độ nhận thức của lao động nữ di cư về quyền an sinh xã hội; Tác động đối với lao động nữ di cư bị giới hạn quyền tiếp cận đối với các chính sách an sinh xã hội; Các yếu tố rào cản đối với việc tiếp cận quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư; Vai trò của các cơ quan chức năng, đối tác xã hội để hỗ trợ lao động nữ di cư tiếp cận an sinh xã hội; Các giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm đưa ra biện pháp thực thi quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu được chia sẻ tại Hội thảo, có rất nhiều lao động nữ di cư khu vực chính thức và phi chính thức không biết nhiều về các chính sách đào tạo nghề, vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành hệ thống chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên vẫn chưa có quy định pháp luật, chính sách riêng về an sinh xã hội cho lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng. Các chính sách an sinh xã hội hiện nay của Việt Nam vẫn còn triển khai nhiều theo cơ chế hộ khẩu thường trú. Lao động nữ di cư làm việc tại khu vực phi chính thức lại không có bất kỳ tổ chức đại diện người lao động nào để họ tham gia và đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ; hệ thống dịch vụ việc làm hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của lao động nữ di cư.
Thêm vào đó, lao động nữ di cư khu vực phi chính thức không ký hợp đồng lao động nên không tham gia được BHXH bắt buộc. Mặt khác, thời gian đóng BHXH bắt buộc quá dài (20 năm) trong khi nhiều lao động nữ di cư làm việc ở các doanh nghiệp chỉ khoảng 10 -15  năm; Chế độ BHXH tự nguyện hiện nay không hấp dẫn với lao động nữ di cư, thiếu chế độ ngắn hạn là thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây là những chính sách rất cần đối với lao động nữ di cư; Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất chưa có chính sách dành riêng cho người di cư tạm trú ngắn hạn./.
Thu Hương
Từ khóa: lao động Di cư bao