Kinh tế
Cần có những chương trình hành động cụ thể để đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn thế giới
11:42 AM 01/02/2023
(LĐXH)- Ngày 31/1/2023, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023”.
Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ở một số thị trường, đại diện các Hiệp hội ngành hàng trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21.3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD. Việc giảm về con số do tháng 1 này trong nước nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng.
Quang cảnh Hội nghị
Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước phát huy tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần vào các hoạt động của Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện theo chủ đề điều hành của Chính phủ đã xác định cho năm 2023: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được trong những năm qua, năm 2023, các cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn cần có chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho từng nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến việc thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống song song với phát triển các thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng, như Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Song song với đó là phát triển nhiều mặt hàng mới để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn đến người tiêu dùng trong phạm vi toàn thế giới.
Cùng với đó, cần chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, nhất là những rào cản kỹ thuật mới, để kịp thời tham mưu những chính sách hợp lý, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của các doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng cần chú ý phổ biến, lan tỏa các chủ trương, chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta trong đầu tư và thu hút đầu tư, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính chất nền tảng như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng.
Đặc biệt, cần tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước có những điều chỉnh kịp thời chiến lược cũng như các kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chúng ta có rất nhiều sản phẩm được làm ra, nhưng những sản phẩm ấy có được thị trường trong nước hoặc nước ngoài đón nhận hay không? Đđã đến lúc chúng ta phải thay đổi phương thức, quan điểm, chủ trương tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm chúng ta làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của thị trường nhất định nào đó. Việc sản xuất theo tập quán, thói quen để sau đó kêu gọi "giải cứu" không còn phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay./.
Thảo Lan