Giáo dục - Nghề nghiệp
Các khoản thu đầu năm học: Thanh tra đến đâu, sai đến đó!
08:44 AM 20/09/2017
Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kiểm tra đột xuất các trường tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An. Kết quả cho thấy, một số trường được báo chí phản ánh đều vi phạm các quy định về thu các khoản tự nguyện, xã hội hóa.
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thanh tra 4 trường là Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh, trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình,  Hà Nội; THCS Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng.
Theo đó, tại trường Tiểu học Uy Nỗ, Thanh tra Bộ kết luận: Các khoản thu tự nguyện, trường đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện không đúng. Riêng tiền điều hòa trường này chưa thực hiện thu, nhưng tiền máy chiếu đã thu và lắp đặt cho 8 phòng học. Trường tiểu học Uy Nỗ đã quy định thu tiền lắp điều hòa là 1 triệu đồng/học sinh và tiền lắp máy chiếu là 500.000 đồng/học sinh.
Tương tự, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã có kết luận đối với trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình. Trường này đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện thu không đúng. Ngoài ra trường còn có khoản thu tự nguyện đóng góp đầu năm của 254 phụ huynh có con vào lớp 1 là 408.300.000 đồng (người nhiều là 5.000.000 đồng, người thấp là 300.000 đồng).
Ngày tựu trường, phụ huynh lại lo các loại phí học cho con
Tại trường THCS Minh Tân (Hải Phòng) Thanh tra Bộ kết luận, một số khoản thu trường có Tờ trình UBND xã Minh Tân và được Chủ tịch UBND xã duyệt ký đóng dấu: Tờ trình số 03/TT-THCSMT ngày 21/8/2017 có các khoản thu Quỹ hội CMHS, khuyến học, quỹ đội + báo đội, gửi xe, nước uống, học phí, học thêm, học nghề; Tờ trình số 04/TT-THCSMT ngày 21/8/2017 có các khoản thu mua sách vở, đồng phục, đề kiểm tra, giấy thi, liên lạc điện tử không đúng quy định. Trước đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện phiếu ghi 20 khoản thu của trường THCS Minh Tân. Theo đó, tổng số tiền phụ huynh phải đóng lên đến hơn 9 triệu đồng. Sau khi có phản ánh, phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên vào cuộc và kết luận phiếu nộp tiền đó là giả nhưng có tới 18 khoản/20 khoản của phiếu là đúng sự thật. Chính vì vậy, UBND huyện Thủy Nguyên đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng để giải trình.
Còn tại trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng, phụ huynh cũng phản ánh đầu năm học họ phải đóng tới hơn 10 triệu đồng, trong đó có các khoản như ủng hộ cơ sở vật chất (Đúng tuyến: 1.300.000 đồng, trái tuyến: 1.500.000 đồng); Tiền học trại hè: 800.000 đồng; Huy động lắp đặt hệ thống điện, đèn và quạt cho khu nhà mới và bàn ghế cho cho sinh lớp 1: 228.345.000 đồng; Trang bị 12 điều hòa: 110.000.000 đồng; Vận động hỗ trợ ủng hộ: 500.000 đồng/học sinh. Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận: Trường đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện thu các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa không đúng!   
Sửa thông tư để chống lạm thu
Theo ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thành lập 02 đoàn kiểm tra tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An), các đoàn đã đến trực tiếp các cơ sở giáo dục báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định. Qua kiểm tra ở mức độ khác nhau, các cơ sở giáo dục mà đoàn kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định. Trong số các khoản thu thỏa thuận, ông Hiến khẳng định có nhiều khoản thu các trường này tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định (như trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân). Nhiều khoản thu được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt có địa phương Chủ tịch UBND xã phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện là không đúng quy định như Chủ tịch UBND xã Minh Tân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh.
“Tại các cơ sở giáo dục nơi đoàn kiểm tra đến, chúng tôi đã yêu cầu chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định; kiến nghị Phòng GD&ĐT, UBND quận, huyện, Sở GD&ĐT kịp thời kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định” - ông Tống Duy Hiến nói. 
Kết luận kiểm tra, thanh tra của Bộ cho rằng các địa phương cần cùng vào cuộc và kiên quyết xử lý các vi phạm, trước hết là xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo ông Hiến, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.
Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí đủ kinh phí chi khác cho cơ sở giáo dục, đảm bảo tối thiểu 20% theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo nguồn chi cho các cơ sở, có như vậy, tình trạng lạm thu mới từng bước được giải quyết.

Các khoản thu “thỏa thuận” bị Bộ GD&ĐT thanh tra

Tiền học hai buổi trên ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú, tiền đồng phục, tiền tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, tiền kỹ năng sống, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền bảo hiểm thân thể, tiền quỹ hội chữ thập đỏ, tiền quỹ khuyến học, tiền quỹ đoàn thanh niên, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh trường, tiền dạy thêm học thêm, tiền sử dụng điều hòa, tiền vở viết, tiền vở bài tập thực hành, tiền sách giáo khoa, tiền sửa chữa trong trường, tiền quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, tiền quỹ đội, báo đội, tiền đề và giấy kiểm tra, tiền lao công, tiền tạp phí, tiền gửi xe, tiền ủng hộ cơ sở vật chất, tiền học ngoại khóa, tiền trải nghiệm theo chuyên đề, tiền mua máy chiếu, tiền lắp đặt điều hòa, tiền hỗ trợ bàn ghế…

Theo tienphong.vn