Xã hội
Các huyện nghèo ở Bình Định đổi thay nhờ Chương trình 30a
11:27 AM 27/11/2020
(LĐXH)-Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là “đòn bẩy” của các huyện nghèo trong cả nước. Tại Bình Định, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ được thực hiện tại các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển được thực hiện theo đúng quy trình, đúng nhu cầu của người dân, góp phần làm thay đổi cuộc sống của không ít hộ nghèo.

Từ nguồn vốn 30a, các huyện nghèo đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn

Từ nguồn vốn 30a, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn

Trong giai đoạn 2009-2020, theo UBND tỉnh Bình Định, chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở 3 huyện nghèo đã giúp các địa phương xây dựng và đưa vào hoạt động 402 công trình trên địa bàn với tổng số tiền 1.151.129 triệu đồng, trong đó bao gồm: 38 công trình cấp huyện (Trường phổ thông trung học, trường dân tộc nội trú, cơ sở vật chất ngành giáo dục; bệnh viện huyện, khu vực, trung tâm y tế dự phòng huyện đạt tiêu chuẩn và cơ sở vật chất ngành y tế, trình trung tâm dịch vụ tổng hợp về nông, lâm, ngư nghiệp, công trình thủy lợi quy mô cấp huyện, liên xã, công trình giao thông từ tỉnh đến huyện, từ trung tâm huyện tới xã, liên xã);  364 công trình cấp xã (điện, đường giao thông thôn, xã, nhà văn hóa thôn, thủy lợi, kênh mương, trạm y tế xã, trường mẫu giáo tiểu học, trung học cơ sở...). Ngoài ra, trong giai đoạn 2012-2020, đã kịp thời thực hiện duy tu, bảo dưỡng trên 100 công trình xuống cấp và hư hỏng với tổng số tiền 60.711 triệu đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, trong 10 năm qua, các huyện nghèo đã thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với diện tích giao khoán trên 60.584ha cho 5.283 hộ dân và 29 tập thể, kinh phí thực hiện 188.376,58 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đã được các địa phương triển khai, người dân đã được hưởng lợi từ việc giao khoán.
Chăn nuôi giúp người dân thoát nghèo
Thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, các xã trên địa bàn các huyện nghèo đã thực hiện quy hoạch theo Chương trình Nông thôn mới. Đến năm 2013, có 23 xã trên địa bàn 3 huyện nghèo Vân Canh (6 xã), Vĩnh Thạnh (8 xã) và An Lão (9 xã) cơ bản đã hoàn thành xong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo Chương trình Nông thôn mới và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các huyện đã thực hiện hỗ trợ lương thực cho 422 hộ nghèo (1.497 khẩu, hỗ trợ 3 tháng) nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực với 87.615 kg lương thực, kinh phí 727.204.000 đồng. Thực hiện hỗ trợ khai hoang tạo ruộng lúa nước cho người dân xã Vĩnh Sơn (làng Đak Chum), xã Vĩnh Hảo, cho 85 hộ hưởng lợi tại huyện An Lão, kinh phí thực hiện 305,730 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí 115.402 triệu đồng đã thực hiện hỗ trợ cho trên 25.000 lượt hộ với 6.207 giống trâu, bò, lợn, dê; hơn 6.000 con gà thả vườn; 342.884 kg cá giống; 11.935 cây dừa xiêm; 5.625 giống cây ăn trái các loại; 382.553 kg lúa lai, giống lạc, ngô lai; 1.415.646 hom mì; 140.000 giống cây bời lời; 640.125 cây dâu tằm; 3 triệu keo lai cấy mô; 140 ha mây dưới tán rừng; 228.987 kg phân bón các loại. Các huyện còn hỗ trợ cho 1.967 hộ nghèo làm chuồng trại; hỗ trợ 2.370.000 liều vắc xin tiêm phòng và tiền công và nhân rộng 121 mô hình khuyến nông, lâm, ngư, kinh phí thực hiện khoảng 6.000 triệu đồng.
Với kinh phí 843,8 triệu đồng, các huyện đã hỗ trợ cho 115 cán bộ khuyến nông, lâm, ngư thôn làng,.. được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Tại một số địa phương có làng nghề truyền thống, các huyện đã triển khai hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh; tổ chức trình diễn mô hình dệt thổ cẩm bằng khung dệt cải tiến cho đồng bào Ba na làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh và đã chuyển giao cho làng Hà Ri 40 khung dệt cải tiến qua đó từng bước giúp đồng bào tăng năng suất và chất lượng từ sản phẩm dệt cao hơn. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương, kinh phí 2.126,45 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi đã giúp người dân các huyện nghèo ở Bình Định có cơ hội vươn lên thoát nghèo
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em của các hộ nghèo, hộ cận nghèo có công ăn việc làm với mức thu nhập khá, ổn định, từ đó phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, các huyện nghèo 30ª đã tích cực phổ biến kịp thời để cho họ nắm bắt được các chế độ chính sách, các chương trình XKLĐ, đặc biệt là tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng, giải quyết hồ sơ, giấy tờ hành chính, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động trước khi tham gia xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng, thủ tục hành chính. Qua đó giúp cho các hộ nghèo và cận nghèo tìm được thị trường xuất khẩu phù hợp, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2009 đến nay, đã có 587 người đi xuất khẩu lao động, trong đó: Vân Canh 64 người, Vĩnh Thạnh 178 người, An Lão 345 người.
Đối với việc thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, các huyện nghèo đã bố trí đầy đủ giáo viên phù hợp với cấp học và từng trình độ đào tạo, kinh phí hỗ trợ thực hiện theo giai đoạn và lồng ghép để thực hiện. Theo đó, trong 10 năm qua, đã tổ chức được 298 lớp tại 162 thôn, làng, đào tạo, bồi dưỡng cho 27.583 lượt cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, thanh niên dân tộc thiểu số và cộng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Xây dựng 34 cụm pano và 39 bảng tin tuyên truyền pháp luật, 59 biển báo tạm trú, tạm vắng trên địa bàn các thôn ở các xã, thị trấn huyện An Lão và huyện Vân Canh, kinh phí thực hiện 5.060,88 triệu đồng.
Cùng với đó, các huyện nghèo đã tổ chức mở 22 lớp bồi dưỡng cho 1.371 lượt cán bộ, công chức xã về kiến thức kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ hàng năm và theo nội dung, chương trình khung của 26 Bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức xã do Bộ, ngành Trung ương biên soạn. Tổ chức mở 243 lớp, đào tạo cho 6.417 người lao động nông thôn; đã bố trí tạo việc làm 75% lao động có việc làm sau đào tạo, trong đó: Huyện Vân Canh tổ chức 70 lớp, đào tạo 2.435 người lao động, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức 86 lớp, đào tạo 2.017 người lao động, huyện An Lão tổ chức 87 lớp, đào tạo 1.965 người lao động. Ước đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo huyện Vân Canh đạt 38%, huyện Vĩnh Thạnh đạt 41%, huyện An Lão đạt 35%.
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở Bình Định
Thực hiện chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, trí thức trẻ đối với các huyện nghèo, trong 10 năm qua, Bình Định đã thực hiện luân chuyển và tăng cường 9 cán bộ, 7 tri thức trẻ từ huyện về xã đảm nhận các cương vị lãnh đạo chủ chốt để tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đối với các huyện nghèo. Cùng với đó, thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc các huyện nghèo theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã có 20 tri thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại các xã thuộc 3 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, 11 đội viên về công tác với các chức danh thống kê, địa chính, nông nghiệp, văn hóa xã hội tại các xã. Sau hơn 6 năm thực hiện nhiệm vụ trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, mặc dù gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ lúc ban đầu song trong quá trình công tác, sinh hoạt, các trí thức trẻ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau kết thúc dự án (năm 2017), 20 đội viên đã được bố trí công tác phù hợp.
Có thể nói, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở Bình Định với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, các cấp chính quyền nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương và đúng theo chủ trương, chính sách được ban hành để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương mình; cân đối lại nguồn lực đầu tư của Nhà nước, lồng ghép, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn huyện nghèo.
Các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã theo sự phân công đã triển khai thực hiện các kế hoạch, chính sách, dự án của Chương trình đạt mục tiêu của Đề án. Đồng thời trong quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể nên tạo được sự tác động tương hỗ, góp phần thực hiện có kết quả những nội dung của Đề án giảm nghèo được duyệt.
Bộ mặt nông thôn của huyện An Lão ngày càng khởi sắc
Qua 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, nhìn chung cả 3 huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão đã có nhiều cố gắng, đạt được một số mặt tích cực. Các chính sách hỗ trợ về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã đảm bảo 100% hộ nghèo, người dân sinh sống tại các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã tiếp cận đầy đủ thẻ BHYT, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 100%; 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, 100% trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng) còn 12,08%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 99,4%.
Kết cấu hạ tầng tại các vùng nghèo, xã đặc biệt khó khăn cơ bản đảm bảo đáp ứng cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất: 26/26 (100%) xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đã có 100% trường phổ thông và trung tâm học tập cộng đồng xã đủ đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân, 80% trường học mầm non có cơ sở vật chất đạt chuẩn nông thôn mới; 100% tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa; tỷ lệ người dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,33%.
Tính chung cho cả giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm toàn tỉnh đạt gần 2%/năm, các huyện nghèo theo Nghị quyết số 3a/2008/NQ-CP giảm 5,68%/năm đạt và vượt theo Nghị quyết số 80/NQ-CP. Qua các năm, thu nhập của người dân hộ nghèo không ngừng tăng. Đến hết năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2, năm 2015 tăng gấp 6 lần so với khi đề án được duyệt; đến nay (năm 2020), thu nhập bình quân của các huyện nghèo khoảng 30,5 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống được nâng lên, bà con các dân tộc các huyện nghèo ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để từ đó nỗ lực, tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Trần Thị Mỹ Hạnh