Lao động
9 tháng năm 2018: Trên 100 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
11:08 AM 28/09/2018
(LĐXH)- Tính đến hết tháng 9/2018, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,214 triệu lao động, đạt 75,9% kế hoạch năm. Trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1.114 nghìn người, đưa hơn 100,6 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 91,5% kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, Bộ Lao động – TBXH đã chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, khớp nối cung - cầu lao động trên thị trường. Tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.
Lao động đến đăng ký, tìm kiếm thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường quản lý lao động đang làm việc tại các quốc gia và khu vực; hướng dẫn, giới thiệu các doanh nghiệp trực tiếp về tuyển chọn lao động tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đặc biệt khó khăn đi làm việc ở các thị trường như: Malaysia, các nước Trung Đông và Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vận động người lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài tự nguyện về nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong giải quyết việc làm cho người lao động như: chất lượng việc làm chưa cao (trên 40% lao động làm nông nghiệp, tỷ lệ việc làm phi chính thức lên đến 60%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chiếm khoảng 25% lực lượng lao động). Đặc biệt, lao động nông thôn, nhất là lao động nữ lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm; các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động có trình độ và lao động phổ thông. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn hạn chế, đào tạo nghề chưa gắn nhu cầu của thị trường lao động...
Trước những khó khăn trên, trong năm 2018, Bộ Lao động – TBXH đã đề ra mục tiêu tạo việc làm trong nước cho 1.490.000 người, trong đó tạo việc làm qua quỹ Quốc gia về việc làm cho 100.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu này, Bộ Lao động – TBXH chỉ đạo tập trung quyết liệt và đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó nêu rõ, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chuyên ngành khoa học liên quan đến công nghệ, kỹ thuật và những ngành thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển thị trường lao động một cách đầy đủ, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Rà soát mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới quản lý, giao quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho người dân, đặc biệt là thanh niên; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, nhất là trong các lĩnh vực đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thực hiện đồng bộ ba nội dung về quy hoạch lại mạng lưới, tự chủ đại học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiều địa phương đã chú trọng phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm tại chỗ cho lao động
Đồng thời, tiếp tục đào tạo và nâng cao năng lực của các Trung tâm Dịch vụ việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm và kết nối với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Rà soát, giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực về việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động nước ngoài. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; hoàn thiện các phần mềm dùng chung như phần mềm cung – cầu lao động, phần mềm bảo hiểm thất nghiệp, phần mềm quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Chí Tâm