Xã hội
Cả nước có trên 1,6 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng
09:33 PM 09/03/2019
(LĐXH) -Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.634.367 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó có khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Những năm qua, công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích cho gia đình, xã hội.
Chi trả trợ cấp cho người cao tuổi
Thực hiện Luật người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Bộ LĐTBXH đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kịp thời chế độ chính sách đối với người cao tuổi; hướng dẫn các cấp, các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, triển khai Luật Người cao tuổi và chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, nhờ đó đã tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng về chăm sóc, phụng dưỡng cũng như phát huy tốt vai trò người cao tuổi.
Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH đã phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp trong thực hiện chính sách đối với người cao tuổi, thực hiện Tháng hành động về người cao tuổi, vận động để hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội; phối hợp với các cấp Hội Người cao tuổi tại các địa phương tổ chức tốt chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi, trung bình hàng năm tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho khoảng hơn 1 triệu người cao tuổi. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại cộng đồng đã được triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay có hơn 1,9 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh, nhiều bệnh viện bố trí khu vực tiếp nhận, phòng khám, điều trị dành riêng cho người cao tuổi. Các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực để thành lập 49 khoa lão khoa.
Người cao tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh
Cả nước hiện có 9.575/11.161 xã, phường, thị trấn (chiếm gần 80%) thành lập được Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng, chân Quỹ của các cấp Hội đạt 1.168 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã thực hiện miễn, giảm giá vé, giá phí dịch vụ cho người cao tuổi tham gia giao thông, tham gia sinh hoạt ở các cơ sở văn hóa, thể thao.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người cao tuổi đã có 21 tỉnh, thành phố thành lập được hơn 1.400 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút 85 nghìn người cao tuổi, thành viên hộ gia đình có người cao tuổi tham gia hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Các câu lạc bộ này dựa vào cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi và hướng đến mục tiêu: tạo cơ hội cho người cao tuổi cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình; tạo điều kiện để người cao tuổi chủ động tự chăm sóc sức khỏe; cải thiện mối quan hệ giữa người cao tuổi với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và cộng đồng nhằm góp phần thực hiện tốt hơn quyền và lợi ích của người cao tuổi. Đồng thời, Bộ LĐTBXH đã tổ chức đánh giá thực trạng thành lập hoạt động của mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi để tạo cơ sở thực tiễn cho việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ trong thời gian tới.
Ở nhiều địa phương, được sự quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Người cao tuổi được phát huy, người cao tuổi đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, tham gia xây dựng hệ thống chính trị; phong trào xây dựng nông thôn mới - bảo vệ môi trường; phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương… Cả nước hiện có 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức, đoàn thể; Hội Người cao tuổi của 1.000 xã thuộc 44 tỉnh, thành phố có biên giới, biển đảo đã ký kết chương trình phối hợp với các đồn biên phòng; hơn 95 nghìn người cao tuổi đang làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh; hơn 300 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi…
Việt Nam đang vào thời kỳ già hóa dân số, do vậy việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi là hết sức quan trọng. Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Ngân hàng thế giới và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Dự án Phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; Tổ chức đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, trên cơ sở đó đề xuất Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi cho giai đoạn 2021-2030; Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi và bộ phận giúp việc; Tăng cường tổ chức thực hiện Luật Người cao tuổi, triển khai tốt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi giai đoạn 2016-2020./.
Hồng Phượng