Lao động
Cả nước có trên 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp
08:54 PM 15/09/2017
(LĐXH)- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,26%, thấp nhất trong 5 quý gần đây.
Chiều 15/9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý II/2017.
Theo bản tin, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động được thống kê đạt 5,2 triệu đồng, giảm 197.000 đồng so với quý I/2017 và tăng 349.000 đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Nhóm lao động có trình độ sơ cấp thu nhập trung bình là 6.040.000 đồng, cao hơn nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng. Trong khi đó, nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học có thu nhập là 7,49 triệu đồng/tháng, giảm so với quý trước và giảm mạnh nhất với 736.000 đồng, tương đương 8,9%.
(Ảnh minh họa)
Trong quý II/2017, có 20,7 % lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp, giảm so với quý I/2017, trong đó 83,2 % là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 48,7 % là lao động giảm đơn. Điều này cho thấy ít nhiều sự điều chỉnh về bất bình đẳng trong thu nhập.
Điều đặc biệt, quý II/2017 đa số lao động trong các ngành đều có thu nhập giảm so với quý I/2017, nhưng lao động trong ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú, ăn uống thu nhập vẫn tăng.
Điều này phản ánh sự phù hợp với kết quả tăng trưởng của các ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú trong quý II/2017, kéo theo nhu cầu sử dụng lao động trong ngành này tăng.
Thất nghiệp giảm nhẹ cả về số lượng và tỷ lệ.
Bản tin cũng cho biết: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,26%, thấp nhất trong 5 quý gần đây. Quý II/2017 cả nước có trên 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 20,1 nghìn người so với quý I/2017 và 7,1 nghìn người so với quý II/2016.
Tuy nhiên, thất nghiệp của nhóm trình độ đại học trở lên và nhóm thanh niên tăng mạnh so với quý I/2017. Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 183,1 nghìn người, tăng 44,2 nghìn người so với quý I/2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm ngành này là 3,63% (quý trước là 2,79%).
Quý II/2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 22,6% lực lượng lao động. Trong số lao động có bằng cấp, chứng chỉ só sự gia tăng nhanh hơn của nhóm sơ cấp nghề và trung cấp.
Số người có việc làm tăng nhẹ so với quý trước và cùng kỳ năm 2016. Môi trường kinh doanh được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hình ảnh tại buổi công bố bản tin
Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng so với quý trước, đạt 42,77%; số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 6,21 triệu người, tăng so với quý trước. Thu nhập của người làm công hưởng lương giảm so với quý trước (do tính thời vụ sau dịp tết Nguyên Đán), tuy nhiên vẫn tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Về kết quả thực hiện các chính sách thị trường lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm ngành lao động, thương binh xã hội đã tổ chức được 291 phiên giao dịch việc làm; trên 729 nghìn lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và gần 233 nghìn lượt người nhận được việc làm.
Hơn 34,8 nghìn lượt lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; gần 219 nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và gần 323 nghìn lượt người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm; khoảng 4,8 triệu lượt người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội…
Bản tin số 14 (quý II/2017) được xây dựng dựa trên nguồn số liệu đáng tin cậy từ Tổng cục Thống kê và của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cung cấp bức tranh tương đối toàn diện về thị trường lao động Việt Nam./.
PV