Lao động
Cà Mau: Phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 39.300 lao động
10:34 AM 01/06/2021
(LĐXH) - Theo thông tin của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trung bình mỗi năm, Cà Mau có khoảng trên 200 ngàn lao động phải xa quê, tìm việc làm ngoài tỉnh.
Hầu hết số lao động này không tay nghề, không tư liệu sản xuất, tính chất công việc bấp bênh, đối diện với yêu cầu cao về mặt sức khỏe, chi phí sinh hoạt, đi lại… Vì vậy, không ít lao động sau thời gian mưu sinh bên ngoài, lại trở về địa phương sinh sống.
Từ thực tế trên, giải quyết việc làm tại chỗ luôn là vấn đề được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhiều giải pháp được triển khai, nhằm tạo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập cho người lao động. Trước hết, là đổi mới công tác dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường; mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục, với 75 ngành nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp với đặc thù của từng huyện, thành phố và điều kiện sản xuất của người dân. Nổi bật có các nghề như: nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nuôi cá sặc rằn, tổ chức du lịch sinh thái, tổ chức du lịch cộng đồng…
Đặc biệt, tỉnh chú trọng định hướng, chỉ đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, đoàn thể, tận dụng lợi thế của địa phương mở các lớp dạy các nghề, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống gắn với các làng nghề; hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi tham dự lớp dạy nghề. Như ở huyện Trần Văn Thời, có nghề ép chuối khô, làm khô bổi; nghề làm tôm khô, nuôi cá chẽm ở huyện Ngọc Hiển; nghề sửa chữa điện, đan lát ở thành phố Cà Mau… Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm/năm, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu tuyển sinh, tuyển chọn lao động. 
Tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm, giảm nghèo bền vững
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện nay, tỉnh Cà Mau vẫn còn hơn 50% lực lượng lao động là lao động nông nghiệp, trong khi, nghề chính là nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản sinh thái có tính thời vụ, sử dụng không nhiều lao động. Hơn nữa, Cà Mau là địa bàn sông nước, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thông tin,…ở các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống, tiêu thụ sản phẩm, cũng như khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm đối với người lao động.
Lực lượng lao động qua đào tạo chủ yếu ở trình độ sơ cấp nghề; ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; các địa phương chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và tạo việc làm cho người học sau đào tạo.
Thực hiện công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, năm 2021 Cà Mau phấn đấu giải quyết việc làm cho 39.300 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm của địa phương 17.000 lao động. Giải quyết việc làm từ hoạt động tuyển chọn, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh 21.700 lao động. Giải quyết việc làm từ hoạt động tuyển chọn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 600 lao động. Phấn đấu giảm tỉ lệ lao động khu vực ngư, nông, lâm nghiệp còn 48%; tỉ lệ lao động xã hội qua đào tạo đạt 52%; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25,3%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 5 - 6%.
Ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức về giải quyết việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp, các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan trong quan hệ lao động, giải quyết việc làm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh tại cấp xã. Phân luồng đào tạo nghề, định hướng việc làm học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đảm bảo người lao động có nhận thức đầy đủ về thông tin thị trường lao động, chế độ lao động và chính sách việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp thuận lợi; xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đồng thời khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.
Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ lệ lao động có việc làm trong tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp thẩm quyền ban hành, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư thành lập nhiều doanh nghiệp, nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới.
Ba là, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp nhằm tạo việc làm mới; sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm đúng mục đích, theo hướng tập trung, kịp thời và có hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; ưu tiên hỗ trợ vay vốn đối với người lao động ở khu vực nông thôn chuyển dịch việc làm, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động khuyết tật và các đối tượng lao động đặc thù khác để ổn định việc làm, tránh nguy cơ mất việc làm cho số lao động đang làm việc. Gắn việc cho vay vốn tạo việc làm với dịch chuyển cơ cấu lao động, góp phần thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hiệu quả việc cho vay ủy thác đối với các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn tín dụng ưu đãi về giảm nghèo để tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn được ổn định việc làm, tăng thu nhập. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, kết quả giải quyết việc làm cho người lao động của các dự án cho vay.
Bốn là, tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, giúp cho lao động, nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Xác định rõ hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề của người lao động. Tăng cường thực hiện công tác phân luồng, đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, tập trung đào tạo ngoại ngữ và đào tạo nghề chất lượng cao, trang bị kiến thức trình độ tay nghề, kỹ năng mềm cho người lao động, sẵn sàng cung ứng, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.
Năm là, phát triển thị trường lao động, xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống thông tin thị trường lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, đảm bảo thông tin việc làm của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn đầy đủ, chính xác, cập nhật kịp thời vào phần mềm quản lý lao động của tỉnh để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo cung - cầu lao động, hoạch định các chính sách về lao động, việc làm trên địa bàn. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm định kỳ, tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động ở các cụm, khu vực có tập trung đông dân cư, nhất là các khu tái định cư; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động, làm cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động với các tỉnh bạn, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, các đơn vị đã ký kết chương trình phối hợp, để giới thiệu việc làm cho người lao động của địa phương đi làm việc ngoài tỉnh. Kết nối hệ thống sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng đa dạng lao động của doanh nghiệp, hệ thống cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động; niêm yết thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nhằm phục vụ người lao động có nhu cầu tìm việc làm.
Sáu là, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện công tác giải quyết việc làm. Tăng cường quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở; thường xuyên nắm bắt thực tiễn để bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, điều chỉnh các biện pháp thực hiện công tác giải quyết việc làm phù hợp tình hình thực tế và theo quy định. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, theo dõi thực hiện công tác lao động, việc làm ở cấp huyện, cấp xã và bồi dưỡng kiến thức kỹ năng truyền thông tư vấn, việc làm cho cộng tác viên từ tỉnh đến ấp, khóm.
Khánh Quyên