Xã hội
Cà Mau: Cải thiện chất lượng môi trường tại Trung tâm Bảo trợ xã hội
03:57 PM 01/12/2022
(LĐXH) - Thời gian qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật… Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội ổn định cuộc sống.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Được thành lập từ năm 1993, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau hiện là ngôi nhà chung, mái ấm cho những cụ già neo đơn, người vô gia cư, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, bị bỏ rơi, bệnh tật... trong đó, nhiều em nhỏ được nuôi dưỡng tại trung tâm bị dị tật bẩm sinh, bại liệt, bại não, hội chứng down…


Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau
Có dịp ghé thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau tại Quốc lộ 1A, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, Thành phố Cà Mau vào buổi sáng cuối thu ấm áp, ấn tượng đầu tiên trong mắt chúng tôi là không khí tươi vui nơi đây. Trong khuôn viên nhỏ nhắn, sạch đẹp của trung tâm, các cụ ông, cụ bà đang nói cười rộn rã. Ngồi ở các hàng ghế đá ven đường, các cụ vui vẻ trao đổi, chia sẻ với nhau về những chuyện thường nhật vừa trải qua, như: Cơm nước, quét dọn, ngủ nghỉ… Tại các phòng nghỉ, nhiều người còn trẻ, khỏe hơn đang hăng hái cọ rửa, quét dọn làm sạch sàn nhà. Một số khác thì nhổ cỏ, tỉa các chậu hoa kiểng. Ở một góc khác, nhiều cụ bà đang hăng say tập thể dục trên các máy chạy bộ.
Hiện tại, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng trên 100 đối tượng. Trong đó, có 49 người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa và 56 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lấy chữ “Tâm” và “Đức” làm tiêu chí hàng đầu cùng với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và đổi mới, trung tâm đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, bố trí cán bộ trực 24/24 giờ hàng ngày để quản lý, giáo dục và chăm sóc cho các đối tượng.     
    
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Trần Hoàng Vũ cho biết, các cụ được chăm sóc toàn diện từ đời sống vật chất đến tinh thần. Các bữa ăn luôn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên thay đổi khẩu phần theo ngày. Chỉ vào những vạt rau xanh dọc đường đi, giám đốc tự hào khoe đấy là rau do cán bộ, nhân viên trung tâm và cả những người già trồng bằng phương pháp lao động trị liệu. Việc này vừa giúp nâng cao sức khỏe cho họ, lại vừa có nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn cho bữa ăn hằng ngày. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng tăng cường các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường đảm bảo sức khoẻ cho các đối tượng  như thường xuyên xử lý các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp theo quy định, Thu gom và xử lý rác thải…,  chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ tạo cảnh quan môi trường. Nhìn chung, đơn vị không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn không đúng quy định gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Nỗ lực chăm lo    
Đối với người cao tuổi, đa số là tư tưởng, tinh thần không ổn định, khó tính, nhận thức hạn chế và không tự lực được trong sinh hoạt, Trung tâm đã bố trí cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng như người thân trong gia đình, tăng cường quản lý và theo dõi sức khỏe cho từng cụ. Ngoài ra, các cụ còn được trung tâm tổ chức cho họp dưỡng lão hàng tháng. Qua đó, tạo điều kiện cho các cụ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, góp ý, phản ánh với lãnh đạo trung tâm để có sự điều chỉnh phù hợp. Cùng với đó, trung tâm còn lắp đặt mạng internet và hệ thống loa phát thanh để các cụ có thể nghe tin tức thời sự về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, những chương trình phù hợp với người già,… Đồng thời, trung tâm cũng tiến hành khen thưởng, biểu dương đối với các cụ có thành tích tiêu biểu.   
Bà Nguyễn Thị Mười, 75 tuổi, thuộc đối tượng chính sách người có công sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình nên tôi vào trung tâm sinh sống được khoảng 20 năm rồi. Mọi sinh hoạt trong đây được diễn ra bình thường như tại nhà, cán bộ nhân viên ở đây rất chu đáo, chăm sóc tận tình và xem chúng tôi như người thân, Thật tình mà nói, các cán bộ, nhân viên ở đây chính là những người có tâm, có đức, họ thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe, trò chuyện tạo cho chúng tôi cảm giác thoải mái, hạnh phúc như sống trong chính gia đình của mình vậy, tôi thấy rất đáng quý.”
Đối với trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài thời gian học ở trường, trung tâm còn tiến hành kèm cặp, phụ đạo thêm cho những em học lực yếu và hướng dẫn các em tích cực tham gia lao động, vui chơi lành mạnh. Vào dịp nghỉ hè, trung tâm đã liên hệ với thân nhân gia đình cho các em về nghỉ hè để tăng cường kết nối tình thân. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, trung tâm còn làm tốt công tác chăm sóc đời sống tinh thần cho các em thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tiến hành biểu dương, khen thưởng đối với các em có thành tích học tập tốt.        
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến thăm...
Riêng đối với các đối tượng bị khuyết tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt, thiểu năng, cán bộ y tế của trung tâm luôn quan tâm chăm sóc, tập vận động cơ khớp xương, các phương pháp nhận biết đồ vật, tắm nắng,… để giúp các đối tượng phục hồi thể chất, thể lực và kéo dài sự sống.     
Hàng năm, lãnh đạo trung tâm đều vận động tổ chức vận động và nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, mì, nước mắm,…. Ngoài làm tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng các đối tượng, trung tâm còn chú trọng quan tâm chăm sóc chu đáo đến chế độ ăn uống nhằm cung cấp dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, trung tâm cũng tăng cường chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phát thuốc, qua đó, giúp sức khỏe của người cao tuổi, người khuyết tật và các trẻ được nâng lên.
Đặc biệt, Hưởng ứng cuộc phát động “Cùng chung tay ủng hộ tiền phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do hạn hán” của tỉnh Cà Mau, trong thời gian dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, khi nghe được lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine COVI-19, các cụ các bà sống tại Trung tâm đã quyết định đóng góp một phần kinh phí để hỗ trợ Quỹ, góp phần thể hiện trách nhiệm với đất nước trong lúc khó khăn do dịch hoành hành.
... và trao quà cho các đối tượng tại Trung tâm BTXH tỉnh
Bà Quách Thị Chao, người đóng góp 5 triệu đồng chia sẻ: "Tôi giờ cũng đã già sức khoẻ ngày càng kém. Hiện tại cũng chỉ có mấy đồng lương hưu, tích lũy cả năm nay được 5 triệu, lúc này tôi chưa bệnh tật gì nhiều, tôi lấy 5 triệu này giúp cho công tác phòng chống dịch". 
"Các cụ muốn chia sẻ khó khăn góp phần cùng Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch. Mặc dù bản thân các cụ là người có công với cách mạng, tuy nhiên, trước hiện trạng đất nước đang trải qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh hoành hành, mặc dù đồng lương ít ỏi nhưng các cụ cũng góp phần, chung tay chia sẻ khó khăn. Các cụ thật sự là tấm gương sáng, biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau vượt qua đại dịch này", ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết
Trao quà Tết cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Cũng theo lời ông Vũ, thông cảm, thấu hiểu được nỗi đau của những người bất hạnh trong cuộc sống, chúng tôi luôn động viên nhau để cố gắng làm tốt công tác chăm sóc cho các đối tượng tại trung tâm, xem niềm vui của các đối tượng làm niềm vui của chính mình và luôn coi các đối tượng như người thân, xem các cụ như cha mẹ và xem các cháu như con ruột của mình. Chúng tôi nhận thấy các cụ sinh sống tại trung tâm luôn đoàn kết, thương yêu nhau, sống vui, sống khỏe, còn các cháu cũng thương yêu và luôn phấn đấu đạt được thành tích cao trong học tập. Ngoài ra, để trung tâm thực sự trở thành ngôi nhà chung cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hàng năm, chúng tôi đều tiến hành nâng cấp, sữa chữa cơ sở vật chất để các khu nhà ở của các đối tượng được khang trang, sạch sẽ, đáp ứng được nhu cầu cơ bản trong việc phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng. Đồng thời, góp phần tích cực cùng tỉnh nhà thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Minh Quân