Lao động
Bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng Thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động
07:46 AM 17/06/2020
(LĐXH) - An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chính sách kinh tế xã hội quan trọng trong chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước ta. Ngày nay trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc thực hiện các chính sách xã hội của doanh nghiệp không chỉ còn là nghĩa vụ chấp hành pháp luật mà còn là tiêu chí để doanh nghiệp cạnh tranh tồn tại hay không tồn tại trên thương trường quốc tế.

Thanh tra Cục An toàn lao động kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Công ty TNHH Liftec Việt Nam

Công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ không chỉ nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và biện pháp khắc phục hậu quả, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người lao động; bảo vệ sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ các nội dung của công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này.

Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã  hội (LĐ-TB&XH). Trong 2 năm 2018 và 2019, Cục An toàn lao động (ATLĐ) đã tổ chức 18 Đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật ATVSLĐ, chất lượng sản phẩn hàng hóa nhóm 2, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ, hưởng ứng "Tháng hành động về ATVSLĐ" tại 127 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.  Qua thanh tra đã đưa ra 410 kiến nghị, đề nghị xử phạt theo thẩm quyền 24 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực lao động, 02 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với  tổng số tiền 914,5 triệu đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng chứng chỉ kiểm định viên từ 01 đến 03 tháng của 03 kiểm định viên vi phạm, đình chỉ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện từ 02 đến 3,5 tháng đối với 04 tổ chức, đơn vị,  ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động huấn luyện ATVSLĐ 01 đơn vị và thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn 01 đơn vị.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, thực hiện thanh đối với khu vực phi kết cấu tại 80 hộ gia đình thuộc 06 làng nghề trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Nam Định theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, qua thanh tra đã chỉ ra 371 kiến nghị. Đồng thời phối hợp cùng Thanh tra Bộ thanh tra tại 29 đơn vị hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ và huấn luyện ATVSLĐ. Trong đó, có 10/29 đơn vị lập biên bản vi phạm hành chính, 01 đơn vị đề nghị Cục ATLĐ và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thu hồi giấy chứng nhận (GCN) hoạt động huấn luyện đồng thời lập viên bản xử lý hành vi gian lận trong hoạt động huấn luyện ATVSLĐ; phối hợp với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ xây dựng kiểm tra công tác ATLĐ trong xây dựng tại 05 công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, TP. HCM và Khánh Hòa.

Kết quả thanh tra cho thấy, cơ bản đơn vị đã chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ. Tuy nhiên, các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ còn một số vi phạm chủ yếu như: nội dung Chương trình khung, tài liệu huấn luyện cho các nhóm chưa cập nhật đầy đủ các chính sách pháp luật mới theo quy định. Chưa lưu giữ đúng, đầy đủ chương trình huấn luyện chi tiết, tài liệu huấn luyện, danh sách người được huấn luyện, kết quả kiểm tra, sát hạch, bản sao giấy tờ chứng minh đủ điều kiện của người huấn luyện. Hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật ATLĐ chủ yếu vi phạm như: chưa cập nhật đủ tài liệu kỹ thuật về từng đối tượng thuộc phạm vi kiểm định theo quy định (các QCVN năm 2016, 2017 của Bộ LĐ - TB và XH ban hành quy định về kiểm định).

Thanh tra Cục An toàn lao động kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Công ty TNHH Phospin Đồng Nai

Ngoài ra, các vi phạm như trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; chưa cử người có chuyên môn nghiệp vụ đúng quy định làm công tác ATVSLĐ, chưa xây dựng chi tiết kế hoạchATVSLĐ hàng năm; báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ, tai nạn lao động, hoạt động kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ chưa thực hiện đầy đủ. Qua đánh giá của Đoàn thanh tra cho thấy  những vi phạm trên là hiểu chưa rõ ràng của đơn vị, do đó cần có sự hướng dẫn đơn vị khắc phục được ngay. Kết thúc thanh tra tại đơn vị, cơ bản những lỗi vi phạm hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ đã được các đơn vị báo cáo giải trình khắc phục ngay.

Theo đánh đánh giá,  qua công tác thanh tra đã giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp chấn chỉnh lại kịp thời việc thực hiện công tác ATVSLĐ, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ theo đúng quy định,  đồng thời phát hiện những bất cập trong trong cơ chế chính sách kịp thời báo cáo điều chỉnh, bổ sung.

Vì vậy, trong thời gian tới, Cục An toàn tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, nhằm hoàn thiện hoạt động của hệ thống thanh tra theo phương châm “Liêm chính, bản lĩnh, trung thành”, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, trong những năm qua, Thanh tra ngành Lao động - TBXH nói chung và Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ nói riêng đã từng bước nâng cao trình độ,chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh tra.

Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra dần được thực hiện theo tinh thần tránh trùng lặp nội dung, thời gian, đối tượng thanh tra, giảm tần suất thanh tra của Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong công tác thanh tra như sau:số lượng và tần suất các cuộc thanh tra về ATVSLĐ so với số doanh nghiệp còn rất thấp; hiệu quả xử lý vi phạm về ATVSLĐ còn thấp, việc giám sát thực hiện kết luận thanh tra kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp trong thời gian dài lơ là công tác ATVSLĐ nhưng không được thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về ATVSLĐ (một phần trong đó đã được thanh tra, kiểm tra nhưng thiếu nội dung về ATVSLĐ); việc phân bổ các cuộc thanh tra chưa tương xứng với tỷ lệ, hình thức doanh nghiệp (đặc biệt việc thanh tra cơ sở sử dụng dưới 10 lao động còn rất ít). Hiện tượng này dẫn đến hiệu quả của công tác thanh tra ATVSLĐ chưa mang tính rộng khắp; thiếu cơ sở để đánh giá đầy đủ và chính xác về mức độ thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; giảm hiệu quả trong việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe người lao động.

Nguyên nhân chính dẫn đến tần suất thanh tra thấp là vì số lượng thanh tra viên, công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra vốn đã ít lại phải kiêm nhiệm các công tác khác như pháp chế, cải cách hành chính. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh tra viên, công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra có trình độ, nghiệp vụ phù hợp với công tác ATVSLĐ cũng chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Thanh tra Cục An toàn lao động kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Công ty TNHH Dệt Hiểu Huy Vĩnh Phúc

Từ thực trạng đó, cần phải có phương hướng và các giải pháp trọng tâm, căn cơ để thực hiện công tác thanh tra nhằm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể như:

Về phương hướng: Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định 2155/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng tần suất, chất lượng các cuộc thanh tra, hướng tới tăng cường tuân thủ chính sách, pháp luật nhà nước về ATVSLĐ. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án giai đoạn 2018- 2020 phải tạo nền tảng cơ sở để tiếp tục tăng cường năng lực thanh tra Ngành giai đoạn 2021-2026; phù hợp với quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đến năm 2020, năng lực thanh tra ATVSLĐ được tăng cường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng chính phủ kiến tạo, hiện đại và phù hợp với công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.  Đội ngũ thanh tra ATVSLĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không nhũng nhiễu, không vụ lợi, là chỗ dựa vững chắc cho người dân và doanh nghiệp.

Về giải pháp trọng tâm như:

Một là, tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của thanh tra ATVSLĐ, đề xuất điều chỉnh, ban hành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra phù hợp với tình hình mi: Để tăng cường năng lực thanh tra ATVSLĐ thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, cân thường xuyên rà soát, xây dựng mới, sửa đổi quy định hiện hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra ATVSLĐ cho phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực và thay đổi của chính sách, pháp luật có liên quan.

Hai là, tăng cường thanh tra ATVSLĐ có trọng điểm: Tổ chức thực hiện các chiến dịch thanh tra ATVSLĐ theo chuyên đề; Tập trung, kiểm soát công tác thanh tra ATVSLĐ trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đối tượng, địa phương tồn tại vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ.

Ba là, xây dụng và đổi mới quy trình và phương pháp thanh tra, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra: Xây dựng quy trình và phương pháp thanh tra chuyên đề về TVSLĐ áp dụng đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ (dưới 10 lao động) và với những người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho thanh tra ATVSLĐ: Cập nhật, hoàn thiện tài liệu, chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho thanh tra viên, công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra và chuẩn kỹ năng cho giảng viên; tăng cường các trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi thông tin: Hoàn thiện và nâng cấp phần mềm quản lý điều hành nội bộ đáp ứng quản lý mạng lưới thanh tra ATVSLĐ; Tăng cường sử dụng trang thông tin điện tử và thiết lập nhóm liên kết trực tuyến để trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thanh tra ở Trung ương với địa phương và các cơ quan, đơn vị bên ngoài. Đồng thời,  xây dựng phần mềm quản lý cuộc thanh tra để có cơ sở dữ liệu thanh tra tại doanh nghiệp, giúp việc xây dựng kế hoạch thanh tra và quản lý sau thanh tra có hiệu quả; Tiếp tục sử dụng các hộp thư điện tử, số điện thoại hotline  nhằm tiếp nhận, trả lời các vướng mắc, kiến nghị, hỏi đáp pháp luật của người dân, cơ quan và doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ.

Sáu là, công tác cán bộ cần  bố trí cán bộ có năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, phòng, chống tham nhũng, đảm bảo đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn, trang thiết bị làm việc, thiết bị chuyên dùng, phương tiện đi công tác cho cán bộ thanh tra thực hiện nhiệm vụ; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nêu trong Quyết định 2155/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bảy là, tăng cường phối hp, hp tác trong nước, hợp tác khu vực và quc tế: Tăng cường phối hợp với đối tác ba bên trong quan hệ lao động, ATVSLĐ; phối hợp với các Bộ, ngành, Sở, các đơn vị, vụ, cục, thanh tra thuộc Bộ, Sở có liên quan trong công tác thanh tra ATVSLĐ nhằm tăng hiệu quả công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra; Tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế để tranh thủ viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực, chất lượng công tác thanh tra của Ngành.

Tám là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật liên quan đến ATVSLĐ: Tổ chức các tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các kênh hỏi đáp trực tuyến hoặc qua thư điện tử để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật vềATVSLĐ; tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội nhằm tuyên truyên, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đến người dân và doanh nghiệp; nâng cao vai trò của cơ quan truyền thông trong việc biểu dương những điển hình tốt, kiểu mẫu về ATVSLĐ; phản ánh, phê phán những vi phạm, tồn tại về ATVSLĐ; công bố các sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp, người dân biết lựa chọn dịch vụ, đối tác và giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ.

Chín là, tăng cường đội ngũ cộng tác viên thanh tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm thiết lập đội ngũ cộng tác viên thanh tra thường xuyên, có tính đến đội ngũ cán bộ có chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cán bộ tại các Tập đoàn, Tổng công ty là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp thanh tra chuyên ngành cho đội ngũ này; Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện hoạt động cho thanh tra (đây là điều kiện đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra trong giai đoạn hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng). 

Nguyễn Vân Yên

Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra - Cục An toàn lao động