Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Xây dựng thể chế phải tiệm cận với quy chuẩn quốc tế
10:29 PM 07/02/2023
(LĐXH)- “Việc xây dựng thể chế đối với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phải tìm ra cái mới, tìm ra cái thích hợp nhất, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu của mình, vừa tiệm cận với quy chuẩn quốc tế”...
Đây là một trong những nội dung trao đổi của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc Ủy ban Xã hội của Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 7/2/2022.
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thuý Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; các Phó Chủ nhiệm: Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thị Kim Thúy, Đỗ Thị Lan, Lâm Văn Đoan và các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban.
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Thị Hà; Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia cao cấp của Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Nhiều Dự án luật tạo sự đồng thuận cao
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp rất trặt trẽ, nhất là trong giai đoạn 2020 – 2022, hai  cơ quan đã phối hợp rất hiệu quả nhiều công việc với khối lượng lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, thời gian ngắn và được Quốc hội đánh giá rất cao.
“Nhiều Dự án luật đã có sự chuẩn bị công phu, có những trao đổi về kinh nghiệm quốc tế rất sâu. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tỉ lệ biểu quyết tán thành lên tới 93,36%. Đây là minh chứng rõ nét về sự phối hợp đạt hiệu quả cao giữa hai cơ quan” - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh về công tác phối hợp giữa hai bên
Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao về những về chủ trương và thông qua các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 trong thời gian rất ngắn, rất gấp rút, tạo cơ sở cho Chính phủ triển khai thực hiện. Đây là các chính sách được người dân, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận, đánh giá cao. Những Nghị quyết hỗ trợ này đi vào cuộc sống rất là nhanh, kết quả triển khai đáng ghi nhận...
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã báo cáo về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, đối với Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong tháng 02/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự án Luật; đăng tải dự án, dự thảo Luật trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tháng 4/2023, gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tháng 5/2023, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hoàn thiện các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi) để trình Chính phủ. Tháng 6/2023, trình Chính phủ dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tháng 8/2023, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội, chỉnh lý dự án Luật BHXH (sửa đổi) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật. Tháng 9 - 10/2023, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tháng 7/2023, Gửi dự án Luật đến Ủy ban xã hội của Quốc hội để thẩm tra.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao công tác xây dựng thể chế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), ngày 02/02/2023, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2023, trong đó có Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Như vậy, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực: từ 01/01/2026.
Đối với các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) trong giai đoạn 2023 - 2026, bao gồm: Công ước số 87 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức; Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu, Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các tài liệu, tổ chức các cuộc họp, hội thảo tham vấn các bên liên quan để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập Công ước.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh báo cáo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Một số dự án luật khác như: Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng, chống mại dâm cũng đang trong quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn sau năm 2025....
Phối hợp nhịp nhàng, ăn ý và đồng hành
Tại buổi làm việc nhiều đại biểu đã đóng góp, tham vấn nhiều ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tiếp đến.
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham dự buổi làm việc
Trong đó, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội mong muốn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phát huy tinh thần làm việc cao độ để khi dự án luật được trình ra Quốc hội sẽ đạt được sự đồng thuận cao...
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho rằng: Sự phối hợp công tác giữa Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được chứng minh qua thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Cụ thể như Nghị quyết 116/NQ-TTg về về hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với 38 nghìn tỷ, chúng ta giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho ít nhất 55 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1 triệu doanh nghiệp với ít nhất 95 nghìn tỷ trong vòng 2 năm. Đây là thành quả của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tập trung xây dựng luật cũng là một vấn đề, nhưng đảm bảo chính sách cho người dân, để người dân sung túc hơn còn quan trọng hơn rất nhiều.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong
Đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi), Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, khẳng định: Mở rộng diện bao phủ, đối tượng tham gia vào bảo hiểm xã hội là điều đầu tiên cần làm. Giống như kinh nghiệm về bảo hiểm y tế, ban đầu cũng là bảo hiểm tự nguyện, sau đó là bảo hiểm y tế hộ gia đình và đến nay đã là bảo hiểm y tế toàn dân với độ bao phủ 92%. Đối với Luật Việc làm, vấn đề quan trọng nhất là phải đáp ứng Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển thị trưởng lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Trước và sau tết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập trung để đảm bảo tốt các chính sách xã hội, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều lo lằng về thị trường lao động, nhất là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy vậy, đến nay, với các chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà trực tiếp là Quôc hội, các vấn đề này đều được đảm bảo, duy trì sự ổn định.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Công tác phối hợp xây dựng luật, pháp lệnh giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban Xã hội của Quốc hội luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, cùng đồng hành.
“Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công, khó khăn như thế, có những lúc tưởng chừng bế tắc mà cuối cùng chúng ta vẫn tìm ra hướng giải quyết. Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP là những chính sách rất cụ thể” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dẫn chứng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, 2023 là năm bản lề, thách thức lớn, áp lực nhiều, khó khăn sẽ gia tăng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cùng nhau vượt qua khó khăn. Việc xây dựng thể chế phải đặt quyết tâm chính trị rất cao, cần phải tìm ra cái mới, tìm ra cái thích hợp nhất, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu của đất nước, vừa tiệm cận với quy chuẩn quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, đại diện thành viên Đoàn công tác Ủy ban Xã hội của Quốc hội trao đổi tại buổi làm việc
Đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu góp ý của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị và phân công các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội từ sớm để triển khai các nhiệm vụ được giao một cách kịp thời, có hiệu quả.

Trần Thắng