Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
08:25 AM 29/04/2017
(LĐXH) - Sáng ngày 28/4/2017, tại TP. Vũng Tàu, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3 để nghe trình bày về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vất tại Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhà Nhi đồng của Quốc hội về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp

Tham dự và chủ trì Phiên họp có các đồng chí:  Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh - thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục- Đào tạo, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Nội dung phiên họp toàn thể lần thứ 3 nhằm chuẩn bị một số công việc của Ủy ban phục vụ Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tiếp tục xem xét và nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về việc trình bày kế hoạch Triển khai giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam cũng như Dự thảo đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”

Theo báo cáo, Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm có 3 cấp trình độ Trung cấp, Cao đẳng và Sơ cấp.

Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; tuyển sinh năm 2014-2015 đạt 2.292.834 người.

Hiện nay đội ngũ giáo viên đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề của nhà giáo.

Chương trình dạy nghề được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề với sự tham gia của doanh nghiệp với cấu trúc chương trình được xây dựng theo mô đun. Đã huy động doanh nghiệp trong công tác kiểm tra, thi đánh giá như xây dựng ngân hàng đề thi, tham gia hội đồng thi.

Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp nhận, chuyển giao các bộ chương trình nghề trọng điểm cấp quốc tế từ 8 bộ chương trình từ Malaysia, 12 bộ chương trình từ Úc.

Việc tổ chức đào tạo đã dần chuyển sang đào tạo theo hình thức tích lũy tín chỉ. Cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở GDNN đã được đầu tư theo danh mục thiết bị tối thiểu do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Công tác kiểm định, công nhận kết quả kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề phát triển nhanh: Đã tổ chức kiểm định, công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề và công bố công khai kết quả 51% trường cao đẳng nghề, 20% trường trung cấp nghề, 3,5% trường trung cấp dạy nghề, đã thí điểm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ở một số trường cao đẳng nghề được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.

Đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 189 nghề; cấp giấy chứng nhận cho 36 trung tâm dánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hình thành đội ngũ giáo viên, đã thí điểm đánh gia kỹ năng nghề cho người lao động ở 22 nghề và 4 nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN có bước chuyển biến tích cực, đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, do vậy đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng cơ sở dạy nghề được cấp giấy chứng nhấn đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng lên qua các năm; lao động Việt Nam đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới.

Về kế hoạch triển khai giáo dục nghề nghiệp và đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GDNN cụ thể:

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Tính đến tháng 4/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì các cấp ban ngành và ban hành 38 văn bản (04 nghị định, 08 quyết định của Thủ tướng chính phủ, 25 thông tư), phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ tài chính trình các cấp ban hành 20 văn bản có nội dung liên quan đến GDNN.

Nhiều câu hỏi của các đại biểu đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời rõ ràng

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016-2020 và xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, để thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, cần phải thực hiện đồng bộ 10 giả pháp, trong đó có 3 giải pháp trọng tâm là: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống GDNN; Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDNN đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường tính tự chủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực GDNN; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về kế hoạch triển khai giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam cũng như Dự thảo đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã đồng  tình và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nhiều giải pháp khắc phục thực trạng, thúc đẩy đổi mới và phát triển lĩnh vực GDNN.

Tuy nhiên, nhiều đại biể cho rằng tiến độ xây dựng đề án còn chậm  so với kế hoạch đặt ra trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ngoài ra, đề án chưa thể hiện rõ nét chiến lược đối với việc phát triển GDNN trong giai đoạn trước mắt, trong trung hạn và tầm nhìn dài hạn. Nhiều giải pháp trong dự thảo đề án còn mang mang tính vi mô, chưa trở thành những định hướng chiến lược để giải quyết tận gốc những nhược điểm mang tính hệ thống và cố hữu của GDNN.

Trả lời các ý kiến thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng:  Việc quản lý GDNN chắc chắn phải gắn với việc làm, gắn với lao động, gắn với thị trường, gắn với giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên và người lao động. Nghị quyết TW8 và Luật GDNN đã xác định rất rõ một số vấn đề sau: Trước hết là đào tạo nhân lực thì phải có kiến thức, có kỹ năng và trách nhiệm của nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành đào tạo gắn với sử dụng và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và của thị trường.

Về chương trình, giáo trình khi sang bộ LĐ-TB&XH cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1982 về phê chuẩn Khung trình độ quốc gia và từ khung trình độ quốc gia này của Luật giáo dục nghề nghiệp thì Bộ LĐTBXH và Bộ GD-ĐT đều có trách nhiệm xây dựng chương trình phụ, nhưng theo luật GDNN thì cần phân cấp hoàn toàn theo quy định hiện hành là tự chủ. Còn về đề án 1956 chúng ta cần ban hành cái khung và trên cơ sở khung đó, các cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn những lĩnh vực, những mã ngành để đào tạo.

                                                                                                   Lê Việt