Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU)
07:50 AM 09/06/2020
(LĐXH)- Chiều 8/6/2020, tại trụ sở Bộ Lao động – TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tiếp Ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nhân sự kiện Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Công ước số 105 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Giorgio Aliberti đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu phê chuẩn hai Hiệp định vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp EU và Việt Nam. Đại sứ cũng đánh giá cao việc Quốc hội đã đồng thời bỏ phiếu phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Công ước 105 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức với tỷ lệ gần như tuyệt đối và cho rằng việc phê chuẩn Công ước này một lần nữa khẳng định đường lối nhất quán hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Quang cảnh buổi tiếp Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Bộ Lao động - TBXH
Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU cũng cho rằng việc phê chuẩn Công ước 105 của ILO tại kỳ họp lần này và trước đó là việc phê chuẩn Công ước 98 của ILO về Quyền thương lượng tập thể tại kỳ họp tháng 6 năm 2019 của Quốc hội Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực liên tục và bền bỉ của Việt Nam trong việc hướng tới việc phê chuẩn những công ước cơ bản của ILO – Đây là một trong những cam kết quan trọng trong Hiệp định EVFTA.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự hợp tác của Phái đoàn EU với Bộ Lao động - TBXH
Chào mừng Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU đến thăm Bộ Lao động - TBXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự hợp tác của Phái đoàn EU và Bộ Lao động - TBXH trong thời gian qua. Đặc biệt trong việc phối hợp để chuẩn bị cho việc Nghị viện EU phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA vào tháng 2/2019 vừa qua. Bộ trưởng nhắc lại tầm quan trọng của Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA; trong đó, hai bên Việt Nam và EU cam kết thúc đẩy thương mại đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo những quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo đúng tinh thần của các Công ước của ILO mà Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia EU đều là thành viên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chào mừng Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU đến thăm Bộ Lao động - TBXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông báo tới Đại sứ EU về việc Bô Lao động - TBXH phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương xây dựng dự thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành 22 văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, bao gồm 14 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng và 7 Thông tư, trong đó 16/22 dự thảo văn bản đã được đăng trên website để lấy ý kiến nhân dân và doanh nghiệp.
“Mặc dù có khó khăn do dịch Covid 19, nhưng Bộ Lao động – TBXH vẫn quyết tâm để các văn bản này sẽ được kịp thời ban hành trong năm 2020 để đảm bảo Bộ luật Lao động sẽ chính thức được thực thi từ tháng 1/2021 theo đúng lộ trình, nhằm góp phần thực hiện một cách có hiệu quả cam kết về lao động trong EVFTA” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.
Ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU chúc mừng Việt Nam tham gia Công ước số 105 của ILO 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đại sứ Giorgio Aliberti nhất trí cho rằng Bộ Lao động - TBXH và Phái đoàn EU sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ EU. Đây chính là một trong những mắt xích quan trọng để nâng cao hiệu quả của thương mại và đầu tư theo Hiệp định EVFTA và EVIPA…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU cùng chụp ảnh chung
Trước đó, vào sáng ngày 8/6/2020, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Tham dự phiên họp và chứng kiến việc biểu quyết của Quốc hội với Hiệp định EVFTA có phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Kết quả, với EVFTA, toàn bộ 457 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút thông qua, trong khi với EVIPA, toàn bộ 462 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút tán thành.
Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA là phù hợp với chủ trương đối ngoại, hướng tới thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và thương mại. Lợi ích mang lại là thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may… Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế.
Tương tự với EVIPA, Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội đồng ý, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).
Theo quy định, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến là vào ngày 1/8 tới đây.

Trần Thắng