Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ quan Nhật Bản tại Việt Nam
05:45 PM 07/01/2019
LĐXH)- Chiều 7/1/2019, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp, trao đổi với ngài Umeda Kunio, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xung quanh vấn đề đưa thực tập sinh và lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, học tập.
Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động – TBXH)…
Quang cảnh buổi tiếp và làm việc tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thông tin tới Đại sứ quán về tình hình đưa lao động, thực tập sinh và lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản học tập, làm việc nói riêng và công tác xuất khẩu lao động ở Việt Nam nói chung. Chính sách lao động ở Việt Nam hiện đang khá tốt, lao động từ phi chính thức chuyển sang chính thức có hợp đồng lao động chiếm 45,23%, tỷ lệ thất nghiệp trong lao động có trình độ cao đẳng và đại học trong năm 2018 giảm 50% so với năm trước. Bộ Lao động - TBXH đang khẩn chương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chiến lược an sinh xã hội Việt Nam, trong đó có việc xây dựng một thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh, phù hợp với kinh tế thị trường. Trong năm 2019, bên cạnh việc sửa đổi Bộ Luật lao động để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới, Chính phủ cũng đã đồng ý cho chuẩn bị trình nội dung về sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về tình hình đưa thực sinh Việt Nam sang Nhật Bản

“Đối với lĩnh vực thực tập sinh, Việt Nam đang rất quan tâm vì mục tiêu lớn là lợi ích của hai quốc gia, trước hết là tạo cơ hội việc làm cho lao động chưa có việc làm ổn định ở Việt Nam, đồng thời cũng phải có trách nhiệm với Nhật Bản trong vấn đề già hóa dân số. Chương trình điều dưỡng viên, Bộ Lao động – TBXH mới đang thí điểm tạm cấp phép cho 13 doanh nghiệp, hiện Bộ đang giao cho Cục Quản lý Lao động ngoài nước xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và công khai để các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sẽ cấp phép hoạt động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi.

Ngài Umeda Kunio, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Phát biểu tại buổi tiếp, ngài Umeda Kunio, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chân thành cảm ơn Bộ Lao động – TBXH nói riêng luôn có sự quan tâm, hợp tác với Nhật Bản để đưa đội ngũ lao động trẻ của Việt Nam tới Nhật học tập và làm việc, qua đó góp phần rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề về tình trạng già hóa tại Nhật Bản. Hiện số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là gần 300.000 người, so với cuối năm 2012 tăng lên 6 lần, năm 2016 đã vượt Brazil, năm 2017 vượt Philippines và đang đứng ở vị trí thứ 3 trong số các nước có nhiều công dân cư trú ở Nhật. Năm 2018, Việt Nam đã đưa được khoảng 142 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì có 67 nghìn người tới Nhật Bản. Chính thức từ tháng 4/2019, tư cách lưu trú kỹ năng đặc biệt sẽ được thực hiện tại Nhật, đây có thể nói là bước chuyển biến rất mạnh mẽ về mặt chính sách của Nhật Bản. Đến nay, Chương trình thực tập kỹ năng là tâm điểm trong hợp tác nguồn nhân lực (chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật), chương trình kỹ năng đặc biệt là trong những lĩnh vực mà đang thiếu lao động thì nguồn nhân lực nước ngoài có năng lực kỹ năng sẽ bổ sung thay thế vị trí đó bên phía Nhật.
“Tuy nhiên, tình trạng thực tập sinh, lưu học sinh và lao động Việt Nam ở lại cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật của Nhật Bản còn nhiều do một số công ty của nợ lương, bóc lột sức lao động; do vẫn còn công ty môi giới thu khoản phí cao khiến thực tập sinh hoặc lưu học sinh chịu áp lực, gánh nặng kinh tế khi họ tới Nhật Bản…” – ông Umeda Kunio, thông tin thêm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chào mừng ngài Umeda Kunio, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tới Bộ Lao động - TBXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã rất đồng tình với các ý kiến của Đại sứ quán, Bộ Lao động – TBXH sẽ cùng với cơ quan chức năng để nắm bắt các điều kiện, điều khoản cụ thể để từ đó tham mưu cho cả hai bên xây dựng kế hoạch đào tạo, đưa thực tập sinh cũng như lao động sang Nhật Bản một cách bài bản, khoa học. Để giảm tỷ lệ ở lại cư trú và vi phạm, chúng ta cần tăng cường quản lý các doanh nghiệp cả hai bên và phải thực hiện nguyên tắc đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản phải thông qua tổ chức. Ở Việt Nam, đây là một lĩnh vực đặc biệt, lĩnh vực có điều kiện liên quan đến con người, do đó việc cấp phép và quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được thực hiện rất chặt chẽ. Đồng thời, hai bên sẽ bàn cụ thể với nhau để ký bản ghi nhớ, thống nhất những nguyên tắc, cách thức tiến hành sao cho chặt chẽ và hiệu quả theo hướng quan tâm cung cấp nhân lực cho những ngành nghề, lĩnh vực mà phía Nhật đang thiếu. Bộ Lao động – TBXH yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ sớm rà soát lại tất cả các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang đưa lao động đi làm việc tại Nhật, đánh giá lại hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp đó có bao nhiêu tỷ lệ lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật… để có thể thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động; mở hộp thư để tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, người dân, người lao động và công khai thông tin kịp thời tới Đại sứ quán và phía Nhật Bản…

Chí Tâm