Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Xã hội – Cứu trợ và Tái định cư Myanmar
09:35 PM 24/10/2018
(LĐXH)- Chiều tối ngày 24/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp GS.TS WIN MYAT AYE – Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Xã hội – Cứu trợ và Tái định cư Myanmar.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Bộ trưởng WIN MYAT AYE, nhân dịp ông sang Hà Nội dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 3. Đồng thời khẳng định quan hệ toàn diện Việt Nam – Myanmar tiếp tục phát triển toàn diện, đặc biệt trong phát triển kinh tế, ngoại giao, chính trị, an sinh xã hội…
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tiếp Bộ trưởng WIN MYAT AYE 
Myanmar đã đạt nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt có chiến lược thúc đẩy phụ nữ tham chính, phát triển kinh tế, phòng chống bạo lực… Trong các diễn đàn ASEAN, khu vực, lãnh đạo hai nước đều có tiếng nói chung, ủng hộ nhau trong hợp tác. Theo đó, hai Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Phúc lợi Xã hội – Cứu trợ và Tái định cư Myanmar có sự phối hợp hiệu quả về các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, theo đánh giá của Quốc hội Việt Nam, ngành LĐTB&XH đảm nhận và đều đạt 3 mục tiêu quốc gia là giảm nghèo, đào tạo nghề và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Cùng với đó, Việt Nam đã có 86% dân số được cấp thẻ BHYT; được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua; giảm nghèo đạt mục tiêu thiên niên kỷ trước 10 năm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, an sinh xã hội, giảm nghèo, thúc đẩy quyền năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế, tham chính, phòng chống bạo lực… tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Do đó, vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là việc làm rất lớn đặt ra cho cả hai Bộ thuộc 2 nước.
Chia sẻ với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng WIN MYAT AYE chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 3. Bộ trưởng WIN MYAT AYE cho biết, Bộ Phúc lợi Xã hội – Cứu trợ và Tái định cư Myanmar phụ trách các lĩnh vực phúc lợi xã hội, quản lý thảm họa và phục hồi chức năng. Trong đó tập trung chăm lo cho người dân từ lúc còn nhỏ đến già, phụ nữ mang thai; bảo đảm phúc lợi cho nhân dân, các nạn nhân của thảm họa thiên tai, chăm sóc nạn nhân bị bỏ rơi, nạn nhân bị buôn bán, người nghiện ma túy, phục hồi chức năng cho người khuyết tật…
Đối với lĩnh vực trao quyền cho phụ nữ, Myanmar đề ra nhiều chính sách từ cấp chính phủ; có chiến lược quốc gia về phụ nữ, trong đó tập trung vào xóa bỏ bạo lực, phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức dạy nghề, bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là ở nơi xảy ra xung đột. Ngoài ra, Myanmar cũng tập trung xây dựng các dự án xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ, lồng ghép giới, cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Đối với an sinh xã hội, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội – Cứu trợ và Tái định cư Myanmar cho biết, Myanmar rất thành công trong chương trình lương hưu cho người già trên 80 tuổi và hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ mang thai và sinh con cho đến 2 tuổi; hỗ trợ nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực. Cách tiếp cận của Myanmar là tạo sự tham gia của toàn bộ người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Đáp từ Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội – Cứu trợ và Tái định cư Myanmar, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việt Nam, Myanmar cũng như các quốc gia ASEAN cần phải tham gia, phối hợp cùng thúc đẩy các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, bình đẳng giới… bởi trong bối cảnh hiện nay đang có sự di chuyển lao động trong khu vực hết sức mạnh mẽ. Cùng với đó là chăm lo an sinh cho phụ nữ, làm sao để “một nửa thế giới” được thụ hưởng an sinh lành mạnh, bảo đảm cả vật chất lẫn tinh thần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, kinh nghiệm của Myanmar thực sự có ích cho Việt Nam và các nước trong khu vực học tập. Bộ trưởng cũng đề xuất ASEAN cần tăng cường tổ chức giao lưu phụ nữ nhiều hơn nữa, nhất là những phụ nữ thành danh trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; tăng cường tham mưu về chính sách xã hội, pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ hơn nữa. Đồng thời cùng phối hợp để giảm thiểu những rủi ro mà phụ nữ phải gánh chịu như bạo lực, xâm hại, biến đổi khí hậu…/.
Dương Thìn