Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung nhận diện các vấn đề xã hội mới trong chính sách xã hội đến năm 2030
10:16 AM 21/04/2022
(LĐXH)- “Cần tập trung nhận diện các vấn đề xã hội mới, những vấn đề cần ưu tiên trong chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất quan điểm, chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với xu thế, thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Để chuẩn bị tốt cho các hoạt động để tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, ngày 20/4, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với vai trò là Cơ quan Thường trưc Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã tổ chức họp Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi; TS. Bùi Sỹ Lợi, Chuyên gia cao cấp, thành viên Tổ Biên tập; lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Quang cảnh cuộc họp Tổ Biên tập
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao các thành viên trong Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 thời gian qua đã chủ động, tích cực triển khai và tham mưu chuẩn bị đầy đủ các dự thảo báo cáo, tài liệu phục vụ tổng kết. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ Biên tập giúp việc, hiện một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị mới bắt đầu triển khai công việc nên dự kiến, việc tổng hợp báo cáo để trình Ban Chỉ đạo có thể chậm so với tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Việc tổng kết phải bám sát các mục tiêu, nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và Kết luận 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. Do đó, báo cáo cần phải đánh giá nghiêm túc, khách quan, đúng thực tế, rút ra được những kết quả tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cần tập trung nhận diện các vấn đề xã hội mới, những vấn đề cần ưu tiên trong chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất quan điểm, chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với xu thế, thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý một số vấn đề với Tổ Biên tập
“Trong bối cảnh mới hiện nay, Tổ biên tập cần lưu ý vấn đề gì và dự báo những vấn đề sẽ nổi lên trong 10 năm tới. Với những thay đổi như thế, giai đoạn tới, những mục tiêu, chỉ số đo lường có thể cũng phải thay đổi, phải hướng tới xây dựng chỉ số hạnh phúc, tiêu chí về phân phối thu nhập, tính công bằng xã hội… Cơ quan tham mưu chính sách phải hình dung, đề xuất được "lưới" an sinh xã hội giai đoạn tới, hướng tới nền kinh tế vì con người. Quan điểm về phát triển, đến năm 2030 sẽ không chỉ là bền vững mà phải là toàn diện, bao trùm. Chính sách an sinh khi đó không chỉ là "không để ai bị bỏ lại phía sau" mà cần thay đổi đột phá với mục tiêu là "một Việt Nam không còn đói nghèo" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gợi mở vấn đề với Tổ Biên tập.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tổ Biên tập khi nhận diện chính sách xã hội cho giai đoạn mới phải định hướng xuyên suốt, trong đó là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình phát triển, mà tiến bộ công bằng xã hội được thực hiện trong từng chương trình, dự án, công việc cụ thể. Điều đó được thể hiện trong Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
TS. Bùi Sỹ Lợi trao đổi tại cuộc họp
Bên cạnh đó, phải huy động được mọi người dân tham gia vào các chính sách, cũng như đảm bảo người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận định: Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhất là trong 3 năm qua, báo cáo tổng kết cần đánh giá sâu sắc hơn bởi lẽ thời gian qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học. Những cú sốc vừa qua chính là "cú sốc lịch sử" mà qua đó cần đặc biệt xem xét việc cải cách một số chính sách xã hội, điều chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội, lưới an sinh… hướng tới một xã hội thích ứng với những cú sốc.
Đối với việc chuẩn bị các cuộc hội thảo, hội nghị phục vụ Tổng kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế, xác định rõ nội dung tập trung thảo luận.
Đồng thời, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức nghiên cứu một số chuyên đề quan trọng, một số vấn đề mới phục vụ đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, TS. Bùi Sỹ Lợi, Chuyên gia cao cấp, thành viên Tổ Biên tập, cho rằng: Thời gian qua, nguồn lực chi cho đảm bảo an sinh xã hội còn thấp, chưa đạt mục tiêu theo xu hướng thế giới. Hệ thống an sinh xã hội hiện chưa đảm bảo tính chất lan tỏa, linh hoạt…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, cho biết: Báo cáo dự kiến có 17 chuyên đề cần nghiên cứu, đánh giá trong quá trình tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, hướng tới xây dựng hệ thống chính sách xã hội cho giai đoạn mới.

Trần Thắng