Lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung hỗ trợ người lao động chưa được hưởng chính sách do giãn cách xã hội
05:02 PM 03/11/2021
(LĐXH)- “Thời gian tới, các địa phương cần tập trung hỗ trợ người lao động chưa được hưởng chính sách theo các Nghị quyết và Quyết định của Chính phủ. Vừa qua, nhiều địa phương chưa triển khai được các chính sách hỗ trợ, hiện nay đã hết giãn cách, thì cần phải tập trung, nhanh chóng hỗ trợ, chăm lo cho người dân, người lao động...”.
Đây là một những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với một số địa phương trọng điểm (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu) về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động được tổ chức vào ngày 3/11.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tính chủ động của các địa phương trong việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ đặc thù
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vô cùng thiết thực như đánh giá của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là “đúng, trúng, kịp thời”. Tôi đánh giá cao tính chủ động của các địa phương khi ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch. Các chính sách hỗ trợ của địa phương đã kịp thời, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc giữ chân và đảm bảo đời sống của người lao động, cũng như đối với lao động tự do.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận định: Sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Nhìn chung đã có 70 - 75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%. Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng tự nhận thấy rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.
Đối với vấn đề người dân, người lao động di chuyển từ các thành phố lớn về quê, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đặc biệt lưu ý: Lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do. Do đó, các địa phương một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.
Các địa phương tham dự hội nghị trực tuyến (ảnh chụp màn hình)
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng: Lực lượng lao động chính thức trong khu vực FDI, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp được cảnh báo từ sớm. Doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án hoạt động, đồng thời có chính sách khôn khéo để giữ chân người lao động thông qua việc thường xuyên giữ liên lạc, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm ngừng việc.
Tại hội nghị, các địa phương đã trình bày kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg; thực trạng cung ứng lao động tại địa phương và các giải pháp cụ thể phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, đưa ra nhận định về tình hình thị trường lao động trong thời gian tới; kiến nghị các giải pháp nhằm phục hồi lại hoàn toàn tình trạng sản xuất như thời điểm trước dịch…
Theo báo cáo của đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh, tính tới ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quay trở lại hoạt động là 1.430/1500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3%. Hiện tại, thành phố đang tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10 và tháng 11…
Đại diện tỉnh Bình Dương, cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, “3 xanh” với tổng số lao động làm việc trên 724.000 người. Với cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất, dự kiến trong thời gian tới (giữa tháng 11), số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 80%, tương ứng với khoảng 1,059 triệu lao động sẽ trở lại làm việc.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Để phục hồi thị trường lao động, tỉnh Bình Dương đang tích cực triển khai các giải pháp như: tiếp tục rà soát, nắm tình hình người dân, người lao động thật sự khó khăn, cần trợ giúp do ảnh hưởng dịch COVID-19 để có chính sách hỗ trợ bổ sung nhằm ổn định cuộc sống; đẩy nhanh tổ chức tiêm vaccine; thực hiện đa dạng các giải pháp về kết nối cung - cầu lao động…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Việc phục hồi, chúng ta phải xác định là phục hồi dần dần, không phải là 100%  được ngay. Ví dụ, có những đơn vị chỉ có nhu cầu 50% hoặc 70% việc làm thôi, do đó thiếu lao động, nhưng không trầm trọng. Tôi đề nghị các đơn vị chức năng, 12 đoàn công tác kiểm tra của Bộ đánh giá tình hình, chuẩn bị báo cáo trên cơ sở thực tiễn, không chạy theo dư luận, không chạy theo những con số cảm tính, nhất là Đề án Chương trình phục hồi lao động, phải viết một cách chính xác, không bệnh thành tích, bám sát thực tiễn, không thồi phồng vấn đề lên. Báo cáo đánh giá của các địa phương, trước khi gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phải báo cáo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, để thống nhất số liệu giữa các đơn vị.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu trong Đề án phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, trong đó tập trung vấn đề nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động… Lưu ý, hiện nay 60, 70% công nhân đang ở nhà trọ. Do đó, các địa phương cũng phải thấy rõ, làm khu công nghiệp phải gắn với đô thị, khu công nghiệp phải gắn với nhà ở, với phúc lợi xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, yêu cầu: Thời gian tới, các địa phương cần tập trung hỗ trợ người lao động chưa được hưởng các chính sách theo các Nghị quyết và Quyết định của Chính phủ. Vừa qua, nhiều địa phương chưa triển khai được cách chính sách hỗ trợ, hiện nay đã hết giãn cách, thì cần phải tập trung, nhanh chóng hỗ trợ, chăm lo cho người dân, người lao động. Trong tháng 11 này, cần phải giải quyết hỗ trợ cho toàn bộ những người nằm trong diện phải được hưởng chính sách. Các địa phương cũng cần khẩn chương xây dựng phương án để hỗ trợ người lao động quay về quê muốn ở lại quê hương và hoàn thiện báo cáo cũng như các giải pháp của mình báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội...

Trần Thắng