Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung đào tạo nhân lực CNTT, phục vụ chuyển đổi số
12:10 PM 06/05/2023
(LĐXH)- “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao do ngành Lao động - TBXH phụ trách, có thể tiến hành nhanh việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), phục vụ chuyển đổi số” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị.
Ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. Tham dự phiên họp có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;  Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư và đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác (về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia)…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung, cho rằng: Trong quý I, nhất là trong tháng 4/2023, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước có những chuyển động rất rõ rệt. Trong đó, hai lĩnh vực nổi lên là du lịch và dịch vụ đã trở lại rất tốt, đang đi rất đúng hướng, lưu lượng khách quốc tế, lưu lượng khách trong nước, thị trường du lịch trong nước được khai thác hiệu quả tại nhiều địa phương có tiềm năng, khách du lịch đã tăng trưởng mạnh trở lại. Đây là điều rất đáng mừng, cho thấy rõ ràng chúng ta đã tháo gỡ được vấn đề khó khăn để tạo đà tăng trưởng trở lại.
“Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tôi thấy du lịch phát triển đến đâu thì kinh tế biển đang bị thu hẹp đến đó. Đây là vấn đề có lẽ chúng ta phải cân nhắc, cần khai thác biển gắn với du lịch theo hướng bền vững” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn nhận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Tại sao khách du lịch nước ngoài gần đây trở lại Việt Nam rất đông? Rõ ràng là từ việc tháo gỡ cơ chế, mở lại visa, hộ chiếu… của ngành Công an đã đem lại hiệu quả thiết thực. Điều này thấy rằng, những vướng mắc vừa qua, chúng ta giải quyết được là bắt đầu từ tháo gỡ cơ chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, kéo dài giãn nợ thuế đã cứu được doanh nghiệp rất nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, việc hỗ trợ và kéo dài giãn nợ còn quan trọng hơn cả việc cấp vốn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng mong rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về giao đất đai tại các địa phương. Bởi hiện nay, chúng ta đang giao toàn quyền cho UBND các tỉnh, nhưng qua thực tế, tỉnh không làm được việc phân cấp. Do đó, tôi đề nghị nên tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các huyện, địa phương triển khai thực hiện và giao Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về vấn đề này. Như vậy, tôi tin rằng sẽ có chuyển biến tích cực. Thực tế vừa qua, tôi đi công tác thấy rằng, tỉnh cũng cho rằng cần giao cho địa phương thực hiện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phát biểu: Trên thực tế, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp dù được cải thiện, nhưng cũng cần nói thẳng là doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn. Kể cả thiếu đơn hàng, tạm dừng hoạt động. Dẫn đến một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn, đây là vấn đề chúng ta phải tổng kết; vấn đề xử lý nợ xấu, lãi suất vay còn nhiều bấp cập.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Với ngành y tế, thời gian qua, chúng ta đã có những quyết sách rất quan trọng tháo gỡ khó khăn, đồng thời tiếp tục quan tâm tới các bệnh viện nhất là những vấn đề liên quan đến thiết bị và trang thiết bị y tế, đặc biệt là khu vực bệnh viện công.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Rất mừng là trong nhiệm kỳ này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo rất đúng hướng, chọn hai vấn đề có tính chất đột phá trong nhiệm kỳ để phát triển nhanh và bền vững, đó là hạ tầng, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư đường bộ, đường cao tốc và các tuyến quốc lộ lớn… Và vấn đề đẩy nhanh lĩnh vực công nghệ thông tin, trọng tâm là chuyển đổi số. Chúng tôi đánh giá rất cao việc chuyển đổi số, cũng như triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đây chính là hướng đi  phát triển nhanh và bền vững của quốc gia.
“Báo cáo với các đồng chí, ngày hôm qua (04/5), Bộ Lao động - TBXH đã làm việc với Tổ công tác Đề án 06 về thực hiện các lĩnh vực chuyển đổi số của ngành Lao động - TBXH, bởi trong các lĩnh vực của ngành đều liên quan đến xã hội. Nếu chúng ta giải quyết được toàn bộ cơ sở dữ liệu, kết nối được từ lĩnh vực bảo hiểm xã hội, chi trả trợ cấp đến lĩnh vực lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng… sẽ tạo ra hiệu ứng một xã hội rất tốt hơn và công bằng hơn. Mong rằng, Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh chuyển đổi số” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết và đề nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Thực tế hiện nay chúng ta đang thiếu một lượng lớn cán bộ, công chức am hiểu về công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn. Cụ thể, hiện nay một năm chúng ta chỉ đào tạo được khoảng 60 - 70 nghìn người, trong khi nhu cầu đang cần khoảng 01 triệu người, nếu không thay đổi, chúng ta không đi nhanh được.
“Chính phủ, Thủ tướng cho phép các trường đại học nên có khoa dành riêng cho đào tạo công nghệ thông tin. Và với 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao do ngành Lao động - TBXH phụ trách, có thể cho phép tiến hành nhanh việc đào tạo nhân lực CNTT, phục vụ chuyển đổi số. Nếu được như vậy thì mỗi năm đào tạo được khoảng 20 nghìn nhân lực CNTT; trong khoảng 3 năm tới, chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu mong muốn và đây là một chủ trương rất cần thiết và chắc chắn nếu quyết tâm, chúng ta sẽ làm được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cũng cho biết: Hiện nay, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cho phép thực hiện hết năm 2023. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng tháo gỡ “hòa với vốn đầu tư công”. Nếu chỉ hòa vào đầu tư công mà điều chỉnh trong nội bộ năm 2023 có thể sẽ không xử lý hết được, do đó phải hòa nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 thì chắc chắn sẽ tháo gỡ được. Bởi lẽ, đến tháng 6/2023, các dự án hiện nay mà không phê duyệt thì sẽ không triển khai được, sẽ ách tắc vốn đầu tư công. Tôi thấy rằng, nếu chúng ta giải quyết nhanh được thủ tục đầu tư công, kinh tế - xã hội của đất nước sẽ phục hồi nhanh hơn cùng với việc triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Trần Thắng