Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng
02:32 PM 22/03/2018
(LĐXH) - Chiều ngày 21/3/2018, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai, thực hiện công tác quản lý lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong việc triển khai thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội trên địa bàn thời gian qua. Nhất là trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, người có công, an sinh xã hội, giúp người dân có mức sống cao hơn mức trung bình trong cả nước...
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 7,01%; GDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế khu vực I – II – III tương ứng 40,21% - 16,06% - 43,73%. Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, Sóc Trăng hiện vẫn còn là một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; tình hình thời tiết, dịch bệnh trong thời gian qua diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng báo cáo kết quả công tác lao động, người có công
và xã hội của tỉnh trong thời gian qua
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 38.304 hộ nghèo, chiếm11,85%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là 18.037 hộ (17,95%); 40.831 hộ cận nghèo (12,63%); hộ cận nghèo dân tộc Khmer là 15.846 hộ (15,77%). Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 49.335 người có công với cách mạng, trong đó có 15.309 liệt sĩ; 6.496 thương binh; 2.177 bà Mẹ VNAH (hiện đang còn sống 257 mẹ); 8.757 người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp thường xuyên; 54 tập thể và 49 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phát biểu tại buổi làm việc
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh việc hỗ trợ từ Trung ương, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tích cực huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển KT – XH nhằm chăm lo tốt hơn về mặt vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, số lượng đối tượng chính sách nhiều, các công trình ghi công liệt sĩ, cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc người có công và các đối tượng BTXH trên địa bàn được xây dựng đã lâu, hiện nay đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách chỉ đảm bảo 30% nhu cầu chi; khoảng 70% là trợ cấp ngân sách từ Trung ương nên tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong việc bố trí, huy động các nguồn lực để đảm bảo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công phát biểu tại buổi làm việc
Do vậy, để thực hiện tốt Kế hoạch, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2018-2020, chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Lao động - TBXH quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để triển khai một số nhiệm vụ như sau: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các Mộ - Nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; Đầu tư xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Sóc Trăng tại trung tâm thành phố Sóc Trăng để tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người có công với cách mạng; Đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm, trang thiết bị đào tạo nghề cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; Đầu tư nhân rộng các mô hình giảm nghèo; Đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để phục vụ tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; Cải tạo nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh./.
Hà Giang