Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với các cơ quan báo chí của Bộ Lao động – TB&XH
04:34 PM 22/09/2016
LĐXH- Sáng 22/9, tại Trụ sở Bộ Lao động – TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với các cơ quan báo chí, truyền thông trực thuộc Bộ gồm: Báo Lao động và Xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Ban Biên tập Cổng thông tin Điện tử và Trung tâm Tư vấn dịch vụ Truyền thông.
Cùng dự có Thứ trưởng Đào Hồng Lan; lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức – Cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế; Đảng ủy Bộ cùng lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hoạt động trong thời gian qua. Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích của các cơ quan cấp phép và cơ quan chủ quản, từ đó xác định đâu là vấn đề ưu tiên, đột phá, trách nhiệm của cơ quan chủ quản để báo chí ngành phát triển bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc
Ông Nguyễn Thành Phong, Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội đã trình bày về tổ chức bộ máy của đơn vị với 3 ban nghiệp vụ, 3 phòng chuyên môn, 4 Văn phòng đại diện… với tổng số cán bộ, viên chức, phóng viên, biên tập viên là 66 người. Đến nay, với 3 kỳ/tuần, số lượng phát hành 1,3 vạn/kỳ,  Báo Lao động và Xã hội đã khẳng định vị thế của mình, trong đó chuyên sâu về các lĩnh vực lao động, việc làm; dạy nghề; người có công… Đặc biệt, Báo Điện tử Dân sinh đã phát huy thế mạnh trong việc cập nhật thông tin, phản ánh đúng, kịp thời những sự kiện của ngành và đất nước với số lượng truy cập trung bình 35 ngàn lượt/ngày…
Ông Bùi Văn Trạch, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo với Bộ trưởng về tình hình phát triển của Tạp chí Lao động và Xã hội trong thời gian qua, ông Bùi Văn Trạch, Tổng Biên tập Tạp chí nêu rõ: “Tạp chí Lao động và Xã hội là cơ quan thông tin, lí luận nghiệp vụ của ngành, đã luôn bám sát nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích nhằm tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm rõ các quan điểm, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội, phổ biến kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong quá trình thực hiện chính sách ở các địa phương, cơ sở góp phần hoàn thiện các chính sách của ngành cũng như phát triển kinh tế-xã hội. Hàng tháng, Tạp chí in phát hành 2 kỳ/tháng với nhiều bài viết mang tính chuyên sâu về lí luận, nghiên cứu các vần đề thực tiễn phù hợp với yêu cầu triển khai các lĩnh vực của ngành…
Hiện, Tạp chí duy trì phát hành đạt mức gần 19 ngàn bản/kỳ và hầu hết các tỉnh, thành đã đặt mua đến xã, phường. Riêng về Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội đã đi vào hoạt động ổn định, luôn bám sát các nhiệm vụ của Bộ, ngành và các sự kiện của đất nước… Ngoài ra, Tạp chí đã phối hợp tổ chức làm sách cho các địa phương cũng như các sự kiện hội thảo; hoàn thành các chỉ tiêu tài chính và nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước…
Tuy nhiên, Tạp chí cũng còn một số khó khăn do bối cảnh suy thoái về kinh tế, cắt giảm chi tiêu, thiên tai, dịch bệnh… nên nguồn thu quảng cáo giảm nhiều, trong khi chi phí in ấn, hành chính ngày một tăng; đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn mỏng;…Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thời gian tới, Tạp chí sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết phấn đấu, phát huy truyền thống gần 50 năm xây dựng và trưởng thành để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…”.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá về hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc Bộ thời gian qua
Đại diện lãnh đạo Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Ban Biên tập Cổng thông tin Điện tử và Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Truyền thông cũng đã trình bày những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ truyền thông, đồng thời cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức cũng như dình hướng phát triển trong thời gian tới…
Tiếp đó, Thứ trưởng Đào Hồng Lan và đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế đã có ý kiến tập trung vào các vấn đề nhằm giúp các cơ quan báo chí và truyền thông có định hướng mang tính chiến lược. Trong đó, đề cao vai trò phối hợp sâu chuỗi thông tin; hoạch định chủ trương, định hướng, chủ động phân công phóng viên phụ trách 11 lĩnh vực và 28 nhiệm vụ trong các công tác của ngành…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Thời gian qua, các cơ quan báo chí của Bộ  đã chủ động vươn lên, số lượng, chất lượng các bài viết, công nghệ làm báo có bước phát triển mới; đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên phát triển nhanh về số lượng và có bước phát triển về chất lượng. Các cơ quan báo chí đã cơ bản bám sát và phản ánh đầy đủ, kịp thời các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, yêu cầu chính trị và là diễn đàn, tiếng nói của người lao động… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác truyền thông của Bộ như còn thiếu nhạy bén về chính trị, chưa khai thác hết các lĩnh vực trọng tâm của ngành; còn để lọt thông tin không chính thức, thiếu chính xác; chưa thực sự chú trọng phát hiện, biểu dương, giới thiệu các điển hình tiên tiến; hoạt động còn nhiều khó khăn, số lượng phát hành thấp; mức độ ảnh hưởng, tác động đến xã hội còn khiêm tốn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm với các cơ quan báo chí của Ngành
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Báo chí của ngành phải là người tiên phong đưa chủ trương, chính sách của Bộ đến với nhân dân và người lao động, tạo điều kiện để họ tham gia vào phản biện và thực hiện các quyết sách quan trọng để các quyết định được ban hành không xa rời thực tiễn. Muốn vậy các cơ quan báo chí cần quán triệt sâu sắc các quan điểm sau:
Một là, báo chí là công cụ, vũ khí, phương tiện, động lực của ngành trên lĩnh vực tư tưởng. Các cơ quan truyền thông của Bộ cần phấn đấu để phản ánh, nắm bắt kịp thời tâm trạng xã hội, phổ biến, cung cấp thông tin, các chủ trương, chính sách đến với người dân, giới thiệu các điển hình tiên tiến, cổ vũ tạo sức mạnh đoàn kết nhằm hình thành xu hướng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội.
Hai là, thông tin các lĩnh vực của ngành cần bám sát tôn chỉ, mục đích và yêu cầu chuyên môn, trung thực, đảm bảo tính thời sự, thiết thực, có tác động cổ vũ, tính chiến đấu, bám sát thực tiễn; các hình thức tuyên truyền cần lựa chọn chủ đề, sự kiện sao cho phù hợp và phát huy hiệu quả cao; mỗi số phát hành cần có nhiều bài viết cuốn hút, bài viết của những tác giả có uy tín, có sức thuyết phục nhằm góp phần tạo nên thương hiệu của cơ quan báo chí.
Ba là, các cơ quan báo chí, truyền thông phải cần phấn đấu là cầu nối giữa người lao động với Ngành. Báo chí là những người thay mặt lãnh đạo Bộ truyền đạt đến nhân dân các chủ trướng, chính sách, chế độ của Ngành, là diễn đàn rộng rãi để người lao động tham gia phản biện các chính sách.
Bốn là, cần chăm lo nhiều hơn đến xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo về phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, sức sáng tạo, khuyến khích, tạo sân chơi cho những nhà báo tài năng, các cây bút chủ lực; chăm lo đời sống cán bộ, phóng viên, biên tập viên, xây dựng các cơ quan báo chí đoàn kết, gắn bó vững mạnh nhằm tuyên truyền có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm của ngành về người có công; dạy nghề, việc làm gắn với thị trường lao động; tham gia TPP và giảm nghèo bền vững…”.
PV