Giáo dục - Nghề nghiệp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đào tạo lao động bậc cao là xu hướng tất yếu
03:16 PM 23/11/2021
(LĐXH)- "Đào tạo lao động lành nghề, lao động bậc cao là xu hướng tất yếu khách quan, muốn cản cũng không thể cản được". Đây là một trong những gợi mở của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn (tỉnh Bắc Giang) về công tác đào tạo nghề vào ngày 22/11/2021.
Báo cáo tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Nguyễn Công Thông, cho biết: Trải qua chặng đường gần 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay nhà trường đã khẳng định vị thế là trường cao đẳng kỹ thuật có vai trò đầu tàu, nòng cốt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh Bắc Giang, xác lập được vị thế thuộc nhóm trường hàng đầu trong toàn quốc.
Năm 2021, nhà trường đào tạo 21 nghề, với tổng số học sinh, sinh viên đang theo học là hơn 5.300 học viên, tăng gấp 13,8 lần so với năm 2014; trong đó, trình độ cao đẳng là 1.562 sinh viên, trung cấp 1.903 người, học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT là 1.911 học sinh. Kết quả tuyển sinh hàng năm đều vượt chỉ tiêu, số người có nhu cầu học nghề vượt quy mô đào tạo. Nhà trường đã thiết lập quan hệ đối tác bền vững với hơn 150 doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thăm Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn trong chuyến công tác tại tỉnh Bắc Giang
Về tỷ lệ sinh viên có việc làm, từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm đạt 94%, trong đó riêng nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc thu hút trên 30% số sinh viên ra trường…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn cũng đã đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ nhà trường xây dựng trường trở thành trường đa ngành, đạt tiêu chí chất lượng cao vào năm 2025; đầu tư những ngành, nghề đào tạo có hàm lượng công nghệ cao như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, điều khiển học... Đồng thời, đầu tư xây dựng Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia để phục vụ đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động tỉnh Bắc Giang tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Phát biểu với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của nhà trường ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại; quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo được nâng lên; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận xét: Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang đang có những bước đi đúng hướng. Hướng đi này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực không chỉ cung cấp cho Bắc Giang, mà còn đem lại quy mô chung về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của cả nước. Nhà trường đã có quy mô ngành nghề, lĩnh lực theo hướng đào tạo chất lượng cao, đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phục vụ nguồn nhân lực cho tiến trình CNH – HĐH tại địa phương. Về quy mô tuyển sinh nhà trường thực hiện khá tốt, nhất là mặt bằng đào tạo trình độ cao đẳng của nhà trường. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có những đột phá đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường phát triển.
"Trên thực tế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính là do đào tạo của chưa gắn liền với cung cầu, không gắn với thị trường. Cái thị trường cần thì không đào tạo được, đào tạo ra thì lại làm trái ngành, trái nghề. Nhưng tại sao các nước tiên tiến, người ta đào tạo cái gì là đi cùng với cung cầu, với thị trường. Dù thế nào thì người ta cũng sống được với nghề. Do đó, đào tạo lao động lành nghề, lao động bậc cao là xu hướng tất yếu khách quan, muốn cản cũng không thể cản được" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gợi mở.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng nhà trường cần lựa chọn ngành nghề thế mạnh để tập trung đào tạo
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, nhà trường đã thiết lập quan hệ đối tác, có liên kết chặt chẽ với 150 doanh nghiêp, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản. Song công tác đào tạo nghề nói chung hiện nay còn phụ thuộc vào doanh nghiệp, do đó trường cần tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh điều chỉnh đào tạo lao động theo mô hình để học sinh, sinh viên học nghề từ năm thứ 2, thứ 3 được tham gia sản xuất, được nhận lương theo các quy định. Bởi lẽ, thứ nhất sinh viên thực hành tại các cơ sở doanh nghiệp, doanh nghiệp phải trả chi phí, lương; năm thứ 2 nếu doanh nghiệp chọn những người giỏi về làm việc, thì phải yêu cầu họ chia sẻ kinh phí đào tạo cho nhà trường.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý, nhà trường cần lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp để tập trung đào tạo vì đây là thế mạnh của trường. Sử dụng giáo trình nước ngoài để đáp ứng nguồn nhân lực trong nước và quốc tế, tiến tới xây dựng trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước và khu vực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận với các kiến nghị của nhà trường về việc tiếp tục hỗ trợ để đạt tiêu chí chất lượng cao vào năm 2025. Theo đó, trọng tâm là hỗ trợ đầu tư các phòng thực hành trọng điểm đối với những nghề có hàm lượng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, điều khiển học; đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế; hỗ trợ việc thiết lập Trung tâm Đào tạo liên tục VKTech. Do đó, đơn vị cần làm báo cáo đề xuất chi tiết; việc xây dựng Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề tại trường phải hiệu quả, không tăng thêm biên chế, gây gánh nặng cho hành chính, mô hình của nhà trường.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, nhận định: Tương lai, nhà trường tiếp tục có tiềm năng phát triển mạnh hơn. Một trong những điểm rất sáng và thuận lợi cho trường đó là tỉnh Bắc Giang rất quyết liệt trong việc phân luồng đào tạo. Tuy nhiên, thời gian tới, nhà trường cần tập trung huy động các doanh nghiệp cùng tham gia với nhà trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, bởi vì số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Muốn làm được điều này thì tỉnh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có phương án cụ thể, huy động doanh nghiệp từ việc bỏ nguồn lực, hoặc cử cán bộ kỹ thuật để cùng với tỉnh, cùng với nhà trường tham gia đào tạo…

Trần Thắng