Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần gỡ nút thắt trong mô hình đào tạo nhân lực để giải quyết việc làm
06:20 PM 05/06/2018
(LĐXH) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều ngày 5/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều câu hỏi về: Thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp…
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về xuất khẩu lao động

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Đến nay đã có khoảng 500.000 người, riêng năm 2017 đưa được 134.000 người. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã nối lại được thị trường Hàn Quốc sau nhiều năm gián đoạn, và lần đầu tiên ký kết cấp quốc gia về quan hệ lao động với Nhật Bản. Việt Nam cũng là nước duy nhất Nhật Bản ký hiệp định về lao động cấp quốc gia. Hiện mỗi năm lĩnh vực xuất khẩu lao động giải quyết hơn 100.000 lao động và bình quân thu về xấp xỉ 3 tỷ USD. Tỉnh Nghệ An là địa phương thu cao nhất hiện nay với 250 triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên,  tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước còn cao, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc khi năm cao nhất lên đến 55% (bình quân các nước khác là 15%). Gần đây, sau 3 năm kiên trì thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ lao động Việt Nam vi phạm ở Hàn Quốc được rút xuống còn 33%. Chính vì vậy mới đây Hàn Quốc đã ký lại bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Man về lý do thời gian qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dừng đưa người lao động đi xuất khẩu ở Hàn Quốc một số tỉnh, Bộ trưởng Dung khẳng định, đây không phải chủ trương của Bộ. Đồng thời cho biết: Một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản... Song gần đây bị gián đoạn do xảy ra hiện tượng người lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng lao động, hoặc bỏ ra ngoài làm việc... Hàn Quốc là thị trường lao động có tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước cao nhất, với tỷ lệ khoảng 55%. Vì lý do này Hàn Quốc đã không ký biên bản ghi nhớ nhận lao động xuất khẩu từ Việt Nam trong 4 năm.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Sau 3 năm kiên trì khắc phục, tỷ lệ này tại thị trường Hàn Quốc giảm còn 35% và phía Hàn Quốc đã đề nghị ký lại biên bản ghi nhớ xuất khẩu lao động. "Với trách nhiệm quản lý của Bộ, chúng tôi sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra để giảm hơn tình trạng này", ông Dung hứa.
Với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, theo Bộ trưởng, quan điểm là tạo điều kiện quan tâm tối đa cho người lao động, doanh nghiệp đi sâu vào các thị trường. Ông cũng thừa nhận có thực tế "loạn thu phí, cò mồi, trốn trách nhiệm từ phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động" như đại biểu nêu. Đồng thời khẳng định, năm 2017, qua thanh tra 51 doanh nghiệp XKLĐ, đã phát hiện sai phạm, xử phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng, thu hồi giấy phép hoạt động 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 đơn vị. Trong số này có doanh nghiệp hoạt động 20 năm cũng bị đình chỉ, thu giấy phép.
Cũng tại nôi dung này, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, Bộ đã có chính sách gì để khuyến khích ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Dung cho biết, đây không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Lao động. "Chúng tôi đã cố gắng trong khả năng tình thế, cố gắng đưa 18.000 lao động ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng đi lao động ở nước ngoài. Đây không phải giải pháp lâu dài mà lâu dài phải ổn định công ăn việc làm cho người dân”. Sau kỳ họp này, Bộ Lao động sẽ bàn với Bộ Nông nghiệp về chiến lược biển với những vấn đề cụ thể liên quan đến nghề biển, tàu đánh cá....
Cần gỡ nút thắt trong mô hình đào tạo nhân lực để giải quyết việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi và tranh luận của các đại biểu Quốc hội
Trước câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh về tình trạng sinh viên, thanh niên ra trường rất nhiều người thất nghiệp, chưa tìm được việc làm, suy nghĩ, trách nhiệm của Bộ trưởng về việc đó như thế nào?, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, tỉ lệ này ngày càng tăng là hệ lụy kéo dài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng chúng ta phải nhìn nhận khách quan, một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700.000 người số sinh viên thất nghiệp là 200.000 người. Toàn cầu hiện nay thất nghiệp 13%, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 11%  thất nghiệp.

“So với tỷ lệ chung, tôi cho rằng chúng ta cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này. Cái mà tôi lo lắng nhất là chất lượng lao động, chất lượng việc làm. Về giải pháp, tôi cho rằng phải phát triển doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm thanh niên. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, làm cơ sở để đào tào, cung cấp nguồn nhân lực. Nếu không làm tốt công tác dự báo thì chúng ta đang đào đạo cái mà nhà trường có chứ không phải thị trường cần. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nghề nghiệp, chất lượng lao động. Có đề án giúp sinh viên khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ tuyên truyền để thanh niên không coi vào đại học là con đường duy nhất trong lập thân, lập nghiệp”- Bộ trưởng nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi tranh luận về cơ cấu nguồn nhân lực. Ông đồng tình với quan điểm Bộ trưởng Dung nêu bất hợp lý cơ cấu nguồn nhân lực do chuyển dịch nhân lực không đi đôi với chuyển dịch kinh tế và năng suất lao động thấp. 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nhận xét, để khắc phục cơ cấu lao động bất hợp lý hiện nay, cơ bản là giải quyết quy mô đào tạo quá lớn song không theo nhu cầu. 
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ý kiến của ông Lợi "hoàn toàn thoả đáng". Theo đó, cơ cấu đào tạo nhân lực của Việt Nam hiện bất hợp lý. "Không có nước nào cơ cấu đào tạo là đại học 1; cao đẳng 0,35; trung cấp 0,38 và công nhân kỹ thuật 1,35. Chúng ta đang có mô hình đào tạo hình đáy to, nhưng bị thắt ở giữa. Trong khi mô hình đào tạo lý tưởng phải là hình khoai tây, nghĩa là lao động có tay nghề phải nhiều hơn”. 

Hỗ trợ 3,6 triệu lượt lao động thất nghiệp
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) chất vấn: Tại Điều 47 Luật Việc làm 2013 có quy định: "Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp". Năm 2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 28 để hướng dẫn thi hành điều này. Tuy nhiên, hiện nay, quy định này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 67.000 tỷ đồng.
“Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của bộ trong việc tổ chức thực hiện quy định này nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động và cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu công nghệ trong sản xuất kinh doanh để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
Trả lời đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 67.000 tỷ đồng. Trong 10 năm qua quỹ này đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người thất nghiệp; 3,2 nghìn người học nghề. Tới đây Bộ sẽ đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội cho giảm nhẹ các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn từ quỹ này. Bộ cũng sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp theo thông lệ các nước đang áp dụng.
Theo quy định, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ quỹ này thì phải bảo đảm ba điều kiện: đất nước suy giảm kinh tế, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, lý do bất khả kháng.
Buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước có nhu cầu lao động, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường lao động.
Rà soát thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong việc cấp phép cho doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài để trục lợi. Phối hợp với các cơ quan có các giải pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế tối đa việc lợi dụng đi lao động ở nước ngoài để trốn ở lại nước sở tại trái pháp luật.

Hà Giang