Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Bắt đầu hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng”
04:02 PM 09/05/2020
(LĐXH)- Bắt đầu từ ngày 09/5 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng dự kiến theo ước tính khoảng 7.630 tỷ đồng.
Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì điểm cầu Bộ LĐTB&XH. Tham dự điểm cầu Bộ LĐTB&XH còn có các Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Lê Quân và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, có tới 86 % doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 26 % doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để duy trì sản xuất; doanh nghiệp và người lao động cũng có sự chia sẻ cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn, như: doanh nghiệp trả lương cơ bản cho người lao động, nhiều nơi người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng. Trong 07 nhóm hỗ trợ nhấn mạnh đặc biệt quan tâm nhóm lao động trong các doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc lao động, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm hưu trí tử tuất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại điểm cầu Bộ LĐTB&XH
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Văn phòng Chính phủ cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đúng, kịp thời công khai, minh bạch đến các đối tượng.
Đến nay 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ, 45/63 tỉnh đã rà soát xong và cơ bản bắt đầu từ hôm nay (09/5) sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng dự kiến theo ước tính khoảng 7.630 tỷ; 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.
Bộ trưởng cho biết: Với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70-80.000), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.
“Trước tình hình đó, chúng tôi xin đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp triển khai đúng có hiệu quả Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị như phát biểu khai mạc và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại.
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ LĐTB&XH
Vì vậy, Bộ LĐTB&XH sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động (về vấn đề này Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD), dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Về phương thức, chúng ta sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ sẽ triển khai cấp phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý và lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam.
Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý Nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt.
Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.
Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Các Bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó “có một vài ý lớn mà các doanh nghiệp đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục”. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Dương Thìn