Thời sự
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung trả lời thẳng thắn, trách nhiệm cao trước các chất vấn của đại biểu Quốc hội
02:15 PM 05/06/2018
(LĐXH) - Sáng nay (5/6/2018), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên, tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Chương trình được truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn...
Toàn cảnh Kỳ họp Thứ Năm - Quốc hội Khóa XIV
Ngay từ đầu phiên chất vấn, có 68 đại biểu đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Các vấn đề chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tập trung vào một số lĩnh vực: Thực trạng thị trường lao động Việt Nam, công tác xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp và bảo vệ, chăm sóc trẻ em… Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an… cùng tham gia trả lời về những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có 5 phút báo cáo về những vấn đề chung của ngành được dư luận quan tâm. Thay mặt các cán bộ, công chức, người lao động, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng phiên chất vấn là cơ hội để ngành báo cáo công việc của ngành cũng như là dịp để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các cử tri, của các đại biểu Quốc hội để ngành làm tốt hơn trong thời gian tới. "Lĩnh vực của ngành liên quan trực tiếp đến người dân, nếu làm đúng, thì góp phần nhỏ bé vào ổn định, phát triển xã hội, nếu xảy ra sai sót dù nhỏ, thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống an sinh", với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao, Bộ trưởng nói.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) hỏi, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập, hướng nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên năng suất lao động thấp so nhiều nước, và khu vực. Bộ trưởng chọn năm 2018 là năm đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, ông kỳ vọng kết quả đạt được như thế nào? Và cho biết giải pháp căn cơ?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, chúng ta đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đây là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Chất lượng thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi lực lượng lao động tại nông thôn đến cuối tháng 4/2018 chiếm tới 38,6% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp 15,34% vào GDP. “Cơ cấu đào tạo bất hợp lý, đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Chất lượng nguồn nhận lực chưa đáp ứng kỹ năng, các điều kiện đảm bảo lao động như môi trường làm việc, thu nhập, an toàn và mạng lưới an sinh. Vì vậy thời gian tới ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng”, Bộ trưởng nói.
Đột phá về giáo dục nghề nghiệp là chủ trương cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực thời gian qua. Đến thời điểm này cả nước còn 1.954 cơ sở GDNN, phần đa là công lập, trong đó còn hơn 600 cơ sở thuộc cấp huyện. Bộ đã tập trung sắp xếp, giảm số lượng các trường cao đẳng (35 trường), trường cấp huyện theo phương án tích hợp và bước đầu bộ máy đã tinh gọn hơn: “Có 3 vấn đề phải quan tâm: quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, hai là chuyển mạnh sang tự chủ là động lực để phát triển; và 3 là chuyển hẳn sang hướng kết nối doanh nghiệp với nhà trường. Đây là chủ trương nhiều quốc gia thành công, đặc biệt những nước có giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản…”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến nội dung năm 2018 sẽ là năm đột phá của lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho hay, đã chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực. “Tuy mới là khởi đầu nhưng đây là sự mở đầu rất quan trọng để tạo hướng đi mới”, Bộ trưởng khẳng định. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động có hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng trẻ em vùng sâu, miền núi nhiều khó khăn, hạn chế về quyền vui chơi, giải trí, học hành, Bộ trưởng và Bộ có trách nhiệm gì? Đại biểu Tâm kiến nghị về quyền được học, có chuẩn hóa xây dựng trường học đa chức năng (học, vui chơi); chế độ dinh dưỡng miễn phí sữa học đường; cung cấp đồ đủ ấm mùa đông  cho trẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đúng là do điều kiện kinh tế - xã hội nên trẻ em miền núi chịu nhiều thiệt thòi, hơn nữa đa phần các huyện 30a đều tập trung ở miền núi. Chúng ta đã có chính sách miền núi, chính sách với trẻ em nhưng tỷ lệ và mức độ thụ hưởng còn hạn chế (mới cho trẻ vào trường nội trú). Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và Bộ sẽ sớm trình và tham mưu với Chính phủ để sớm khắc phục những hạn chế này trên tinh thần như đại biểu đề xuất là cần có những chủ trương, đề án để đảm bảo hơn nữa các phúc lợi cho đối tượng trể em, nhân rộng sự chung tay của toàn xã hội.
Tham gia tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, chưa hài lòng với con số 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em mà Bộ trưởng cung cấp. Theo bà Nga, báo cáo của các cơ quan tư pháp cho thấy mỗi năm riêng xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra 1.500 vụ. "Với tư cách Bộ trưởng, đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ trưởng có giải pháp mạnh mẽ nào để đẩy lùi tình trạng này?"- Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn. Đồng thời, bà Nga cũng cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên giải trình, đồng thời kiến nghị với 3 cơ quan tư pháp về một nội dung liên quan đến công tác điều tra, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em. "Chúng tôi đã kiến nghị nhưng các cơ quan tư pháp chưa trả lời. Trong buổi chất vấn này, chúng tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trả lời cụ thể về giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em".
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), cho biết tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ 1 cháu, thì có ít nhất có 10 cháu bị 2 vụ, với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Về nguyên nhân, 6% số vụ liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình. "Vậy xin hỏi Bộ trưởng, giải pháp nào là căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?"- ĐB Tuấn nêu câu hỏi.
Trước kiến nghị của ĐB, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn cho biết chiều nay 5-6, sẽ mời cơ các quan tư pháp trả lời, giải trình các vấn đề liên quan đến tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Đăng Doanh và Nhóm PV