Thời sự
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai nhiệm vụ năm 2021
12:16 PM 11/01/2021
(LĐXH)- Sáng 11/01/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị. Hội nghị cũng có sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ, ngành; các Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh và hơn 3.000 đại biểu từ các điểm cầu trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh:  Năm 2020, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân; đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội. Nhờ đó, toàn ngành đã cùng cả nước vượt qua năm 2020 đầy khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, có dấu ấn đặc biệt, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị 
Điểm lại những thành tựu đạt được của ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế. Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh điều hành Hội nghị
Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020.
Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.
Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, đời sống người có công được nâng lên; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh; đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công trong diện hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020; thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tặng Cờ Thi đua và Bằng khen cho các đơn vị, các Sở LĐTB&XH. Tạp chí Lao động và Xã hội vinh dự là một trong số 17 đơn vị của Bộ được nhận trao Cờ Thi đua.
An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống; đến nay có trên 3,1 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên. Thu nhập của người lao động được cải thiện; độ bao phủ của BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng; đặc biệt, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đạt trên 1 triệu người, tăng 365% so với cuối năm 2015, về đích trước 2 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả; khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp; địa vị của phụ nữ được cải thiện trong tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nguồn lực. Các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường; cách tiếp cận, ứng xử đối với các vấn đề nghiện ma túy và mại dâm dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người. Các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng  thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.
Về Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng nhấn mạnh:Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Về mục tiêu chung năm 2021, bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị 
6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020, để thực hiện và hoàn thành mục tiêu được giao; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về  nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành sau:
(1) Chủ động, linh hoạt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
(2) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế.
(3) Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về thị trường lao động, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao, bảo đảm các điều kiện cần thiết để các yếu tố thị trường lao động phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng việc làm thỏa đáng cho người lao động; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của người dân và duy trì sản xuất.
(4) Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
(5) Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm đồng bộ, khắc phục chồng chéo, trùng lắp. Từng bước hình thành và phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân; chú trọng nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.
(6) Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội./.
Dương Thìn (ảnh: Minh Thắng)