Xã hội
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ Trao giải Cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018
11:12 PM 14/12/2018
(LĐXH)-Sau hơn 2 tháng rưỡi phát động, Cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018 lần đầu tiên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đã thành công tốt đẹp. Ngày 14/12/2018, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tiến hành Lễ trao giải cho những "cây viết" xuất sắc với sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà.
Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH Nguyễn Thị Hà dự và chủ trì Lễ trao giải Cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018
Cùng dự, còn có TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi; ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới; ông Đào Ngọc Thịnh – Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động – TBXH; ông Lưu Hồng Sơn – Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động-TBXH và các tác giả đoạt giải đến từ các cơ quan báo chí, các cơ quan, đơn vị và cá nhân; các phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tổng kết Cuộc thi

Phát biểu tổng kết Cuộc thi, TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết: Sau hơn 2 tháng rưỡi phát động, Cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018 lần đầu tiên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đã thu hút được đông đảo các thí sinh dự thi trên toàn quốc. Tính đến 30/11/2018, Ban Tổ chức đã nhận được gần 250 tác phẩm tham dự cuộc thi, trong đó: Địa phương có nhiều tác phẩm dự thi nhất là tỉnh Lào Cai (gần 100 bài); Thí sinh có tác phẩm dự thi nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi (học sinh lớp 5 ở Lào Cai); Thí sinh lớn tuổi nhất là 63 tuổi (Lào Cai); Thí sinh có tác phẩm dự thi nhiều nhất là 24 bài (Báo Pháp luật Việt Nam); Thí sinh có tác phẩm dự thi “tâm huyết” (có đầu tư) nhất thuộc về người có tác phẩm về "Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay" (70 trang của 01 tác giả đến từ Hưng Yên) và người có tác phẩm với tiêu đề "Phụ nữ Việt Nam, ánh hào quang dưới ngọn cờ Đảng và Tổ quốc" (136 trang của 01 tác giả đến từ Đắk Lắk).

Sau vòng sơ loại, Ban Giám khảo gồm đại diện lãnh đạo Tạp chí LĐXH, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới, Tạp chí Người làm báo đã chọn được 60 bài viết có chất lượng để chấm chung khảo. Sau 2 vòng chấm thi tâm huyết, kỹ lưỡng, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 18 tác phẩm để trao giải, gồm: 3 Giải Nhì (không có giải Nhất do chưa các tác phẩm nào thực sự nổi trội, vượt lên hẳn các tác phẩm khác); 05 Giải Ba và 10 Giải Khuyến khích.

Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH Nguyễn Thị Hà trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải Nhì

TS. Trần Ngọc Diễn khẳng định: Phần lớn các tác phẩm tham dự giải lần này đa dạng về thể loại, loại hình, các tác phẩm thể hiện sự công phu, mới mẻ, những loạt phóng sự, nhiều loạt bài viết sâu sắc về nhiều khía cạnh của công tác bình đẳng giới, thể hiện được tâm huyết và lao động nghiêm túc của các tác giả. Nhiều bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử đã tập trung vào phản ánh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới như: phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thực trạng bạo hành gia đình; nạn buôn người; xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái; bình đẳng giới trên các lĩnh vực: lao động, việc làm; những tấm gương doanh nhân điển hình… Thông qua cuộc thi và công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí từ chính các tác phẩm đạt giải đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi  cán bộ công chức và nhân dân cả nước về công tác này. Tuy nhiên, do là lần đầu tiên tổ chức, thời gian phát động còn ngắn nên số lượng tác phẩm dự thi còn ít. Đây là cuộc thi viết nên cũng chưa thu hút được nhiều tác phẩm ở các thể loại báo chí khác như: Phát thanh, truyền hình, phóng sự ảnh...

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Cuộc thi viết về bình đẳng giới năm 2018 lần đầu tiên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong giới báo chí. Kết quả của cuộc thi đã vượt qua mục tiêu mong đợi, không chỉ có sự tham gia của các cơ quan báo chí, các nhà báo mà còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các đối tượng, từ các chuyên gia về giới, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính chính sách đến các giáo viên, giảng viên, những cán bộ, công chức người lao động và cả các em học sinh.

Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH Nguyễn Thị Hà trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải Ba

Thứ trưởng Hà nhấn mạnh, mặc dù diễn ra trong một thời gian ngắn và là lần đầu tiên được tổ chức nhưng cuộc thi đã nhận được sự tham gia dự thi của hơn 250 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, từ các phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài báo khoa học, các câu chuyện, cảm nghĩ của người viết đến các công trình nghiên cứu. Nội dung tác phẩm phản ánh rộng lớn, thể hiện góc nhìn đa chiều, truyền tải được các thông điệp cụ thể, đa dạng, phong phú như vấn đề phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; phụ nữ tham chính, thực trạng bạo hành gia đình; nạn buôn người; xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái; bình đẳng giới trên các lĩnh vực: lao động, việc làm; những tấm gương doanh nhân điển hình…

“Có thể nói, nhiều bài viết đã góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhiều tác phẩm đã phát hiện những tồn tại, bất cập trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới ở Việt Nam đồng thời có đề xuất các giải pháp, ý tưởng để bổ sung, hoàn thiện chính sách và thực hiện thành công công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có những bài viết lại góp phần biểu dương các tổ chức, tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động bình đẳng giới; ngăn ngừa, xử lý các vụ việc vi phạm; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay có hiệu quả cao trong công tác bình đẳng giới. Có rất hiều bài viết hay, thể hiện tâm huyết, tình cảm và khát vọng của tác giả đối với vấn đề bình đẳng giới.  Chính điều này đã làm nên sự thành công và giúp Cuộc thi thực hiện mục tiêu đề ra: Thông qua Cuộc thi góp phần làm năng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, công chức và mọi người dân, và nhất là cho các đồng chí phóng viên những người sẽ truyền thông cho lĩnh vực bình đẳng giới” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.

TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội và ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới trao giải Khuyến khích cho 10 tác giả

Thay mặt lãnh đạo Bộ Lao động-TBXH, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận, hoan nghênh, đánh giá cao những cố gắng của Ban Tổ chức mà trực tiếp là Tạp chí Lao động và Xã hội cùng Vụ Bình đẳng giới và các cơ quan, đơn vị đã phối hợp, đồng hành, góp phần làm nên thành công của cuộc thi. Thứ trưởng cũng gửi lời chúc mừng tới các tác giả đoạt giải trong Cuộc thi lần này.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới và các phóng viên báo, đài cần có sự phối hợp chặt chẽ để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới; tìm ra cách thức tuyên truyền sao cho hấp dẫn, thuyết phục. Các nhà báo, các tác giả chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp tiếp tục tích cực viết về bình đẳng giới, có nhiều tác phẩm hay, phản ánh đa dạng, phong phú hơn, quảng bá sâu, rộng hơn những gương người tốt, việc tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện công tác bình đẳng giới, đồng thời đề xuất được nhiều kiến nghị, giải pháp hiệu quả với các cơ quan quản lý thông qua các tác phẩm về bình đẳng giới./. 

Hạnh Giang