Nghiên cứu - trao đổi
Bộ Lao động – TBXH trình Chính phủ dự thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
09:02 AM 29/04/2019
(LĐXH)- Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã ký dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) để xem xét trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14.
Tạp chí Lao động và Xã hội xin trích đăng nội dung Tờ trình của Bộ Lao động – TBXH:
Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995. Trải qua 24 năm hình thành và áp dụng trong cuộc sống, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lao động. Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội khóa 14, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018 phân công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)
- Thứ nhất, Thực tiễn quá trình triển khai áp dụng Bộ luật Lao động: xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, sửa đổi.
Qua tổng kết 5 năm thi hành, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ luật Lao động về một số nội dung như hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, công đoàn, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…
Bộ luật Lao động năm 2012 còn một số quy định mang tính nguyên tắc nhưng Điều 242 của Bộ luật không giao cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nên đã gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Trước các yêu cầu và kiến nghị của nhiều địa phương, doanh nghiệp, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vướng mắc trong thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 tại Tờ trình số 109/TTr-CP, Báo cáo số 112/BC-CP, Báo cáo số 540/BC-CP. Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định hướng dẫn ngoài phạm vi được giao quy định tại Điều 242 Bộ luật Lao động để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những vướng mắc, bất cập này; tuy nhiên, trong phạm vi từng nghị định, từng thông tư, các vướng mắc mới chỉ được giải quyết theo từng chủ đề nhỏ, mang tính tình thế mà chưa xử lý được vấn đề mang tính đồng bộ, căn bản, logic, xuyên suốt qua các chương trong Bộ luật.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động vẫn còn một số điều chưa đáp ứng sự phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, yêu cầu cải tiến quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tại các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn đầu tư kinh doanh, nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị Bộ luật Lao động cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh.
Do vậy, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Thứ hai, yêu cầu từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thời gian soạn thảo Bộ luật Lao động 2012 từ năm 2008 - 5/2012 cũng là thời gian mà Hiến pháp năm 2013 được soạn thảo. Quá trình soạn thảo Bộ luật, dù dự thảo đã cụ thể hóa cơ bản tinh thần của dự thảo Hiến pháp, nhưng sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, nội dung của Bộ luật Lao động vẫn chưa thể chế hóa hết các nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan tới nội dung, kết cấu của Bộ luật Lao động như Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2017 và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động như Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật an toàn - vệ sinh lao động năm 2015.
Do đó, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động và đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật.
- Thứ ba, yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), cụ thể là 4 nhóm quyền theo 8 công ước cơ bản của ILO gồm: tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể theo Công ước 87 và 98; xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước 29 và 105; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em theo Công ước 138 và 182; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp theo Công ước 100 và 111. Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nêu trên đồng thời cũng là những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc và là nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO.
Qua nghiên cứu, rà soát, về cơ bản nội dung của Bộ luật Lao động 2012 phù hợp với các tiêu chuẩn lao động cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Lao động 2012 còn chưa tương thích nhất là các nội dung về tự do hiệp hội; bảo vệ quyền tổ chức và thương lượng tập thể; và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Do vậy, Bộ luật Lao động 2012 cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế khác nhau. 
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)
  1. 1.    Mục đích
Mục đích sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ là sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm:
- Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.
- Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
- Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Quan điểm chỉ đạo
Bộ luật Lao động (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:
- Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Thứ hai, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân trong lĩnh vực lao động và thúc đẩy, bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc, bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.
- Thứ ba, bảo đảm tính khả thi trong thực thi các điều kiện, tiêu chuẩn lao động; bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Thứ tư, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
- Thứ năm, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, thị trường lao động và hỗ trợ, hướng dẫn các bên xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)
Từ năm 2016 đến nay, quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trải qua 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (2016-2017): thực hiện Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội, theo phân công của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã soạn thảo hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (dự thảo Luật đã được đăng website 2 lần để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng tác động vào tháng 11/2016 và tháng 4/2017).
Sau khi xem xét hồ sơ dự án Luật, do phạm vi sửa đổi rộng và nội dung sửa đổi nhiều nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận: (1) đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội; và (2) điều chỉnh phạm vi từ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thành sửa đổi toàn diện; (3) giao Chính phủ thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng luật đối với Bộ luật Lao động (sửa đổi).
2. Giai đoạn lập đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) (2017-2018): thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo lập hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Sau 01 năm chuẩn bị tích cực, bộ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội với 10 chính sách lớn. Sau khi xem xét, Quốc hội quyết định giao Chính phủ soạn thảo dự án Bộ luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.
3. Giai đoạn soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kế thừa các nội dung chuẩn bị từ 2 giai đoạn trước đó, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã khẩn trương soạn thảo hồ sơ dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Quá trình soạn thảo gồm:
- Thành lập, hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập: Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; sau khi thành lập, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp nhiều lần để thảo luận, cho ý kiến và trực tiếp soạn thảo các nội dung lớn của dự thảo Bộ luật.
- Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật: Quá trình soạn thảo đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động. Đến nay, đã hoàn thành soạn thảo Dự thảo 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi), Tờ trình Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
- Xin ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về các nội dung lớn, có tác động sâu rộng đến lực lượng lao động và cộng đồng.
- Tiếp tục cập nhật, bổ sung và hoàn thiện các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và chuẩn bị các tài liệu tham khảo khác.
Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện dự thảo 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi) để đăng website lấy ý kiến nhân dân, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và gửi Bộ Tư pháp thẩm định để hoàn thiện Hồ sơ dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Chính phủ.
IV. BỐ CỤC, NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO BỘ LUẬT
1. Bố cục
Sau khi rà soát, chỉnh sửa và lược bỏ các điều có nội dung đã được quy định bởi các luật khác; sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Bộ luật Lao động hiện hành theo mục đích và các quan điểm chỉ đạo sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương.
2. Nội dung cơ bản
Chương I. Những Quy định chung (8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8): Chương này quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích một số từ ngữ được sử dụng trong dự thảo; quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; quan hệ lao động; chính sách của nhà nước về lao động; và các hành vi bị nghiêm cấm. Về cơ bản, nội dung Chương này vẫn cơ bản giữ nguyên các  quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, tuy nhiên, có sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thích từ ngữ, quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, hành vi nghiêm cấm để đảm bảo tính logic của dự thảo với hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi.
Chương II. Việc làm, tuyển và quản lý lao động (4 điều, từ Điều 9 đến Điều 12): Luật Việc làm năm 2013 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày  16/11/2013, trong đó, một số quy định về việc làm trong Bộ luật lao động năm 2012 đã được đưa vào nội dung của Luật Việc làm, như: chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển việc làm, tổ chức dịch vụ việc làm và bỏ quy định về Chương trình việc làm của địa phương. Để đảm bảo tính thống nhất với Luật Việc làm, dự thảo Chương này chỉ quy định nội dung mang tính nguyên tắc về quyền làm việc của người lao động, quyền tuyển của người sử dụng lao động, quản lý lao động của người sử dụng lao động và chính sách của nhà nước về giải quyết việc làm.
Chương III. Hợp đồng lao động (45 điều, từ Điều 13 đến Điều 57): Nội dung chính của Chương này là sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng khả năng nhận diện đến tất cả các hình thức biểu hiện của quan hệ lao động, mà trong quan hệ đó, người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận việc làm trong khu vực chính thức, phi chính thức, lao động làm việc theo các hình thức mới phù hợp với thời đại công nghệ số, lao động làm việc cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động... Bên cạnh đó, cũng bổ sung, sửa đổi các quy định về thử việc, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng, và các quy định về việc thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động nhằm đảm bảo tính khả thi và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012.
Chương IV. Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề (4 điều, từ Điều 58 đến Điều 61): Ngày 27/11/2014, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp thay thế cho Luật Dạy nghề năm 2006, theo đó, những nội dung liên quan đến học nghề, dạy nghề được quy định trong Bộ luật lao động năm 2012 không còn phù hợp. Để đảm bảo tính thống  nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, so với Bộ luật Lao động năm 2012, dự thảo Chương này đã sửa đổi một số quy định về  học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động và quy định mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước  về học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Chương V. Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể (28 điều, từ Điều 62 đến Điều 89): Nội dung của Chương này quy định về hình thức, nội dung, cơ chế đối thoại tại nơi làm việc, xác định tư cách để một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền thương lượng tập thể và các quy định liên quan nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể trong bối cảnh có thể có nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp.
Chương VI. Tiền lương (16 điều, từ Điều 90 đến Điều 105): Nội dung Chương này quy định về khái niệm tiền lương, tiêu chí và các yếu tố xác định mức lương tối thiểu, thang, bảng lương, định mức lao động để đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương; hoàn thiện hơn các quy định liên quan đến Hội đồng tiền lương quốc gia, thanh toán tiền lương, nâng lương và thưởng trong Bộ luật lao động 2012 để đảm bảo tính khả thi và phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường.
Chương VII. Thời giờ làm việc - Thời giờ nghỉ ngơi (12 điều, từ Điều 106 đến Điều 117): Chương này quy định về thời giờ làm việc bình thường, làm thêm giờ, thời giờ nghỉ ngơi trong ngày làm việc, trong ca làm việc, nghỉ hàng tuần, hằng năm, nghỉ lễ, tết của người lao động. So với Bộ luật Lao động năm 2012, dự thảo Bộ Luật đã nâng khung thỏa thuận về làm thêm giờ, bổ sung 01 ngày nghỉ lễ, tết hàng năm và quy định thống nhất thời điểm bắt đầu làm việc và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm khắc phục những khó khăn, vướng  mắc, phù hợp với nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật Lao động.
Chương VIII. Kỷ luật lao động - Trách nhiệm vật chất (15 điều, từ Điều 118 đến Điều 132): Chương này quy định về nội quy lao động, nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, các hình thức xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm vật chất. So với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, có sửa đổi, bổ sung một số quy định về: đăng ký nội quy lao động, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động... để giải quyết khó khăn, vướng mắc và đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng Bộ luật Lao động.
Chương IX. An toàn lao động, vệ sinh lao động (3 điều, từ Điều 133 đến Điều 135): Ngày 25/6/2015, Quốc hội khóa 13 thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động, theo đó, một số nội dung quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động năm 2012 không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Chương này chỉ quy định 03 điều mang tính nguyên tắc về việc người sử dụng lao động và người lao động phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng lao động.
Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới (8 điều, từ Điều 136 đến Điều 143): Ngoài các quy định liên quan đến việc đảm bảo việc làm, thai sản, bình đẳng giới của lao động nữ đã được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, dự thảo lần này có bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới từ cả 02 giới (lao động nam và lao động nữ) và các chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo tốt hơn cơ hội việc làm, bảo vệ thai sản của lao động nữ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Chương XI. Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác (25 điều, từ Điều 144 đến Điều 168): Nội dung Chương này về cơ bản giữ nguyên như quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành, ngoài ra, cũng có sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền và điều kiện làm việc của người chưa thành niên; khuyến khích sử dụng lao động sau độ tuổi nghỉ hưu; sửa đổi, bổ sung các quy định về công việc người nước ngoài được vào làm việc, điều kiện của người nước ngoài vào làm việc, thời hạn giấy phép lao động...
Chương XII. Bảo hiểm xã hội (02 điều, Điều 169 và Điều 170): Các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động đã được quy định rất chi tiết, cụ thể tại các luật: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, do vậy, tại Chương này, dự thảo chỉ quy định 02 điều: (1) Quy định dẫn chiếu trách nhiệm thực hiện quy định về pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động; và quy định trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; (2) Tuổi nghỉ hưu: sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương  khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Chương XIII. Tổ chức đại diện của người lao động (8 điều, từ Điều 171 đến Điều 178, trong đó có 3 điều bổ sung mới và sửa đổi 5 điều của Bộ luật hiện hành): Bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các cam kết quốc tế.
Chương XIV. Giải quyết tranh chấp lao động (33 điều, từ Điều 179 đến Điều 211): Nội dung Chương này quy định về các loại tranh chấp lao động và trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động. Nội dung chủ yếu của Chương này so với Bộ luật Lao động năm 2012 là sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động nhằm đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp lao động, tăng cường việc giải quyết tranh chấp lao động bằng phương thức hòa giải và trọng tài.
Chương XV. Quản lý nhà nước về lao động (02 điều, Điều 212 và Điều 213): Nội dung của Chương này quy định nội dung và thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động. Nội dung này không có sự thay đổi so với quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
Chương XVI. Thanh tra lao động, xử phạt vi phạm pháp luật về lao động (4 điều, từ Điều 214 đến Điều 217): Nội dung của Chương này về cơ bản giữ nguyên so với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, ngoài ra có sửa đổi, bổ sung quy định về Thanh tra lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tranh tra lao động theo Công ước số 81 của ILO mà Việt Nam đã tham gia; tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo tuân thủ pháp luật trên thực tiễn.
Chương XVII. Điều khoản thi hành (04 điều, từ Điều 218 đến Điều 221): Nội dung của Chương này quy định thời điểm có hiệu lực của dự thảo Bộ luật và sửa đổi 02 điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
V. NHỮNG VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN
Quá trình soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của đa số các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan. Một số vấn đề lớn đang nhận được sự quan tâm gồm:
1. Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa
Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của NLĐ là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh).
1.1. Sự cần thiết mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa
Thời gian qua, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi Bộ luật theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa với các lý do sau:
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.   
Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có ý kiến cho rằng giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp và đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa theo năm để vừa bảo đảm tốt hơn quyền làm việc của NLĐ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quy định của Bộ luật Lao động hiện hành đang khống chế số giờ làm thêm thấp hơn tiêu chuẩn các nhãn hàng/người mua hàng cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu. Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử... thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng.
Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
- Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của NLĐ.
Thực tiễn thực hiện quy định về làm thêm giờ cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp thời gian qua cho thấy:
- Một số doanh nghiệp khó tuyển dụng người lao động vì không tổ chức làm thêm giờ hoặc nếu không có cam kết làm thêm giờ thì người lao động sẽ bỏ việc để chuyển sang doanh nghiệp khác có làm thêm giờ.
- Để nâng cao thu nhập thì người lao động khi hết giờ làm việc chính thức và làm thêm giờ theo quy định, họ chuyển sang làm việc thêm cho doanh nghiệp khác. Thời gian làm việc ở doanh nghiệp khác chỉ được hưởng lương tiêu chuẩn (100% tiền lương) thay vì được hưởng lương làm thêm giờ cao hơn (ít nhất bằng 150%) ở doanh nghiệp cũ nếu được làm thêm giờ vượt quá quy định.
Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người lao động, bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của người lao động nếu họ có nhu cầu làm thêm giờ.
- Theo kinh nghiệm quốc tế thì xã hội càng hiện đại, nước càng giàu thì thời giờ làm việc càng ngắn, nước càng nghèo thì thời giờ làm việc càng dài; nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của NLĐ càng thấp, năng suất càng thấp thì số giờ làm việc của NLĐ càng cao; số giờ làm việc của NLĐ cao hay thấp  phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố kinh tế, xã hội, bên cạnh các yếu tố khác như sức khỏe, điều kiện lao động, môi trường...
Số liệu thống kê thực tiễn làm thêm giờ trên thế giới cho thấy:
Các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1600 - 2400 giờ/năm, các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000-40.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1600 - 2300 giờ/năm; các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1400 - 1800 giờ/năm.
Các nước có năng suất lao động (GDP cho mỗi giờ làm việc) cao như Nauy (>= 100 USD/giờ) thì NLĐ làm việc chỉ 1400 giờ/năm; ngược lại các nước năng suất thấp (= 0 - 20 USD/giờ như Campuchia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Indonexia, Malayxia) thì NLĐ làm việc từ 2.000-2.400 giờ/năm.
Từ kinh nghiệm quốc tế nêu trên, trong bối cảnh Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp (2.340 USD vào năm 2017 theo số liệu của Worldbank), năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn (các ngành sản xuất gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, da giầy, chế biến gỗ…) thì nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
1.2. Phương án trong dự thảo
Sau khi nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ. Do đó, để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật Lao động quy định các biện pháp sau đây:
- Quy định nguyên tắc: trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.
- Bảo đảm số giờ làm thêm trong một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường; người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Các quy định này sẽ bảo đảm tổng thời gian làm việc trong ngày của người lao động là không quá 12 giờ (kể cả thời giờ làm thêm) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày.
- Trả lương và đãi ngộ hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ: Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết (Điều 99 dự thảo Bộ luật). Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định. Việc trả lương lũy tiến cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.
- Chính phủ sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc tổ chức làm thêm quá 200 giờ trong một năm trong Nghị định theo nguyên tắc: (1) doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; (2) doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ; (3) quy định một số ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt như đối với một số ngành nghề gia công, dệt, may, da, giày, chế biến, chế tạo, lắp ráp, công nghệ thông tin và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ như chế biến nông, lâm, thủy sản.
2. Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu
Sửa đổi Bộ luật Lao động lần này phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban cán sự Đảng Chính phủ, để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của NLĐ Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, đảm bảo