Giáo dục - Nghề nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục đổi mới thi cử là vì học sinh
02:27 PM 12/09/2016
Trước các lo lắng về phương án thi THPT 2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định, những thay đổi này đều theo lộ trình khoa học và hoàn toàn vì lợi ích của học sinh.

Trong chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng trực tiếp trên VTV1 lúc 22h5 phút ngày 9/9, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải những thắc mắc liên quan dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017.

Dự thảo do Bộ GD&ĐT vừa công bố khiến không ít học sinh hoang mang, lo lắng về các điểm đổi mới, đặc biệt liên quan môn thi và hình thức thi.

 
Phương án thi THPT quốc gia 2017 khiến nhiều học sinh lo lắng. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn.

Cụ thể, thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 vẫn thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh sẽ có điểm thi của toàn bài thi tổ hợp và của từng môn trong tổ hợp.

Về hình thức tổ chức thi, trừ môn Ngữ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan, trong đó, các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân lần đầu tiên được tổ chức thi theo hình thức này.

Thời gian làm bài thi của tất cả các môn đều được rút ngắn. Ngữ Văn thi trong 120 phút, các môn Toán, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội thi trong 90 phút, thời gian làm bài của môn Ngoại ngữ là 60 phút.

Như vậy, với phương án này, học sinh sẽ phải thi tối thiểu 6 môn thay vì 4 môn như năm nay. Đây là thay đổi lớn nhất đồng thời là nguyên nhân chính khiến học sinh lớp 12 lo lắng.

Trước băn khoăn về hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, chúng ta có thể giải Toán theo nhiều cách nhưng chỉ có một đáp số. Vì thế, những em học giỏi sẽ tìm ra đáp án nhanh hơn, dành thời gian làm những câu khác.

"Thi trắc nghiệm môn Toán mới với nước ta nhưng hình thức này đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới từ lâu. Trên thực tế, Bộ đã tính đến việc thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2006 nhưng xã hội chưa đồng tình vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm", Thứ trưởng Ga nói.

Ông cho biết thêm, trong 10 năm qua, chúng ta đã học tập kinh nghiệm từ các nước khác nên Bộ GD&ĐT giao ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi Đánh giá năng lực bằng trắc nghiệm hoàn toàn.

Trong 3-4 năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thi và ra đề trắc nghiệm này theo hướng đánh giá năng lực và được xã hội đánh giá cao. Kết quả của học sinh đạt được trong kỳ thi này khá trùng khớp kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia, cũng như trong quá trình học môn Toán của các em tại trường phổ thông.

Về việc học sinh lo lắng không đủ thời gian để ôn thi cho dạng bài thi tổ hợp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, các em không cần lo lắng vì đây là bài thi tổ hợp chứ không phải tích hợp như một số em nghĩ.

Bài thi tổ hợp bao gồm 3 môn với 3 phần riêng biệt chứ không phải cần chồng kiến thức hai môn để giải nên thí sinh cứ học và thi bình thường. Các trường đại học có thể dùng kết quả của cả bài thi hoặc kết quả một trong các phần để xét tuyển.

Với câu hỏi tại sao Bộ GD&ĐT luôn thay đổi theo từng năm khiến các em cảm thấy "bị thí nghiệm", vị thứ trưởng trả lời, cách làm của Bộ hoàn toàn là vì học sinh. Bộ lo ngại nếu thay đổi lập tức trong một năm thì các em không thể thích ứng kịp. Vì thế, Bộ đã tiến hành làm từ ba năm nay, mỗi năm đổi mới một bước, mỗi lần đổi mới vì mục đích giúp các em học ngày càng nhẹ nhàng hơn và quyền lợi các em cao hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ.

"Tất cả những đổi mới mà Bộ đang tiến hành này là theo một lộ trình khoa học. Bộ hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế các bước đi để các em không bị sốc. Vì vậy, các em cứ yên tâm ôn tập bình thường vì nội dung thi vẫn nằm trong chương trình phổ thông, nhất là ở lớp 12 thôi”, ông Ga giải thích.

Theo tintuc.vn