Lao động
Bình Dương: Nhiều chính sách ưu đãi thu hút lao động trở lại tỉnh làm việc
02:30 PM 01/12/2021
(LĐXH) - Các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương đang tăng tốc sản xuất hàng hóa dịp cuối năm và cần tuyển dụng thêm khoảng 40.000 lao động. Để giải quyết bài toán này, tỉnh Bình Dương kêu gọi và đưa ra nhiều chính sách thu hút lao động trở lại tỉnh làm việc, sẵn sàng tổ chức xe đưa đón và triển khai tiêm vaccine đầy đủ cho người lao động.

Bình Dương: Nhiều chính sách ưu đãi thu hút lao động trở lại tỉnh làm việc

Cần tuyển khoảng 40.000 lao động

Cần mở rộng sản xuất Công ty TNHH Sài Gòn Stec ở Việt Nam, chuyên về sản xuất mô đun máy ảnh (thuộc Công ty CP Công nghiệp Điện tử Sharp Takaya bắt nguồn từ Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (Bình Dương) đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 500 lao động làm công việc kiểm tra linh kiện điện tử, mắt camera điện thoại, lương 400% khi ở lại công ty đóng bảo hiểm đầy đủ cộng nhiều ưu đãi hấn dẫn.

Tương tự, Công ty TNHH Uchiyama (khu công nghiệp - Singapore, Phường Bình Hòa, Thành phố Thuận An, Bình Dươn) là một trong số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động sau khi tái hoạt động trở lại. Đại diện doanh nghiệp này cho hay, khi hoạt động trở lại doanh nghiệp đã chủ động điện thoại, gửi tin nhắn đến người lao động mời quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó doanh nghiệp đang cần tuyển dụng thêm 300 lao động phục vụ nhà máy sản xuất ron phốt bạc đạn chịu lực và nệm cao su dùng trong động cơ xe hơi, với mức lương 5 - 8 triệu đồng/người/tháng; tổng thu nhập 8 -12 triệu đồng/tháng. Hiện doanh nghiệp đã cho đăng tuyển dụng trên các kênh thông tin, đăng ký tuyển dụng tại các trung tâm dịch vụ việc làm và liên lạc với nhân viên cũ hoặc nhờ nhân viên trong công ty giới thiệu tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiện, việc tuyển dụng lao động trong thời điểm này còn gặp khá khó khăn.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã  tỉnh Bình Dương cho biết, toàn Bình Dương có hơn 4.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và “3 xanh” với tổng số lao động trên 700.000 người. So với cuối tháng 9/2021, số doanh nghiệp, đơn vị trở lại hoạt động tăng hơn 1.540 doanh nghiêp với gần 450.000 người. Việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đi vào hoạt động, gồm doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình: 3 xanh, 03 tại chỗ, 03 tại chỗ chuyển sang 3 xanh và doanh nghiệp đăng ký theo mô hình 3 xanh,…  Với cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng  ks phương án hoạt động sản xuất, đi lại của người lao động nên đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn đã trở lại hoạt động đạt trên 80% với khoảng hơn 1 triệu lao động.

Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng nhân lực từ một số doanh nghiệp lớn, có sử dụng  nhiều lao động, ước tính đến thời điểm này các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang cần khoảng 40.000 lao động, để đáp ứng nhu cầu tái sản xuất kinh doanh. Những ngành nghề cần tuyển dụng nhiều lao động tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, dệt, may, giày da, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ... và lao động phổ thông. “Hiện số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, khu chế xuất  trên địa bàn khoảng trên 350.000 người, đạt tỷ lệ trên 85% so với số lượng lao động cuối tháng 4/2021 (trên 540.000 người)”: đại diện Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết.

Người lao động được tiêm vaccine khi trở lại làm việc

Người lao động được tiêm vaccine khi trở lại làm việc

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã làm thị trường lao động tại tỉnh Bình Dương hầu như bị “tê liệt” về nguồn cung – cầu và thu hút nguồn nhân lực. Tất cả người lao động đều bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là lao động ngoại tỉnh, làm công ăn lương tại các khu công nghiệp; lao động khu vực phi chính thức. Với sự chuyển dịch lao động, hình thức khác nhau trong những ngày đầu tháng 7 và đầu tháng 10/2021 vừa qua đã cho thấy những tác động của dịch Covid-19  đến đời sống, khả năng chống lại dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp là rất lớn. Qua đó, đặt ra nhiều vấn đề cho tỉnh, làm thế nào để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.

Để giải quyết bài toán này, Bình Dương đã và đang tính toán, áp dụng nhiều giải pháp để thu hút, đón người lao động trở lại tỉnh làm việc, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Đầu tiên, tỉnh triển khai phương án: người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại tỉnh Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 nếu chưa tiêm mũi 1 cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn.

Hiện tỉnh Bình Dương đã bố trí 2 điểm tiêm vaccine cố định cho người lao động từ các tỉnh thành khác trở lại làm việc. Cụ thể, nếu người lao động làm việc ở các doanh nghiệp phía Nam tỉnh Bình Dương thì liên hệ Bệnh viện Quốc tế Becamex - Phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương để được tiên vaccine; Trường hợp người lao động đến các doanh nghiệp ở phía Bắc tỉnh Bình Dương làm việc và sinh sống thì đến Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để được tiêm vaccine. Đồng thời, hai bệnh viện này cũng sẵn sàng tổ chức các Trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu thăm khám sức khỏe và tiêm vaccine cho người lao động. Khi đến bệnh viện tiêm vaccine, người lao động chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, nếu đã tiêm mũi 1 thì mang theo giấy xác nhận.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Bình Dương còn phối hợp các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng tổ chức phương tiện về tận các tỉnh, thành phố để đón người lao động. Người lao động được các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông. Đồng thời, để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp đón lao động từ các tỉnh thành trở lại làm việc; Nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động, sắp xếp chỗ ở cho công nhân; thưởng tiền động viên tinh thần khi người lao động trở lại làm việc,… Người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại, đến tỉnh Bình Dương làm việc chủ động liên hệ với đầu mối tại các địa phương (đề xuất thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố) để đăng ký. Khi vào Bình Dương, các phương tiện vận chuyển sẽ tập kết tại Bến xe khách Bình Dương. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương tổ chức xét nghiệm cho người lao động trước khi bàn giao cho các địa phương tiếp nhận.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tổ chức nắm bắt tình hình cung – cầu lao động kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động quay lại tỉnh Bình Dương làm việc; Tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt tình hình cung – cầu lao động của các doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất. Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, đặc biệt là hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhằm tăng cường kế nối cung – cầu lao động, liên kết lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội việc làm rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người lao động, góp phần tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ,…

Đức Anh