Lao động
Bình Dương: Các doanh nghiệp trên địa bàn cần từ 10.000 – 15.000 lao động thời điểm sau Tết Nguyên đán
03:20 PM 07/02/2023
(LĐXH)-Qua nắm tình hình các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 6/2/2023, đa số doanh nghiệp trở lại hoạt động, số lao động trở lại làm việc đạt 94% và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần từ 10.000 – 15.000 lao động, bao gồm cả nhu cầu tuyển dụng lao động mới cũng như tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc.
Cụ thể, tại khu vực doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 94%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 93%.
Tương đương thế, trong khu vực các khu công nghiệp tỉnh, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 96%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 94,5%.
Cũng không thể không nhắc tới một bộ phận lao động chưa trở lại Bình Dương làm việc.
Lý dó cho tình trạng này là một số doanh nghiệp chưa có đơn hàng sản xuất, một số doanh nghiệp thời gian dự kiến hoạt động trở lại từ 06/02 đến 15/02/2023, một số lao động có nhu cầu nghỉ thêm sau Tết, có khả năng nghỉ việc để tìm công việc mới phù hợp, thu nhập cao hơn.
Cũng không ngoại lệ là có những hợp ở lại địa phương để làm việc và không trở lại Bình Dương.
Số lao động trở lại Bình Dương làm việc sau Tết Quý Mão 2023 đạt tỷ lệ cao
Đánh giá cho thấy, tính đến ngày 6/2/2023, số lao động trở lại làm việc sau Tết Quý Mão 2023 đạt tỷ lệ cao (trên 90%) tại các doanh nghiệp hoạt động, số lao động chưa trở lại làm việc phần lớn nằm trong kế hoạch chuẩn bị hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Dự báo tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp (sau ngày 15/02/2023) sẽ không có biến động lớn về lao động (dưới 6% lao động không trở lại làm việc tại doanh nghiệp cũ), sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá, sở dĩ tình trạng người lao động quay trở lại làm việc tại Bình Dương khá đông đủ là do nguyên nhân các doanh nghiệp đã có những chính sách giữ chân người lao động, khuyến khích người lao động sớm trở lại làm việc. Đó là, trước Tết doanh nghiệp đã thực hiện chi trả lương, trả thưởng cũng như có các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác cho người lao động trong dịp Tết (như tặng quà tết, hỗ trợ tiền hoặc vé tàu xe cho người lao động về quê….), có lì xì vào ngày đi làm đầu năm và một số chính sách ưu đãi khác…
Bên cạnh đó, trước những biến động của thị trường lao động vào những tháng cuối năm 2022 khiến người lao động nhanh chóng quay trở lại làm việc đầu năm theo đúng ngày quy định của doanh nghiệp, hạn chế trong việc tìm kiếm công việc mới…
Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cho thấy mặc dù nhu cầu tuyển dụng không cao do ảnh hưởng của sự biến động thị trường từ những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, tại thời điểm sau Tết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn cần từ 10.000 – 15.000 lao động bao gồm cả nhu cầu tuyển dụng lao động mới cũng như tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc. Đây là cơ hội tốt cho những lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp quay lại tham gia vào thị trường lao động sau tết nếu chấp nhận chuyển đổi việc làm, thay đổi môi trường làm việc hoặc di chuyển xa hơn thì vẫn có nhiều cơ hội việc làm tốt cho người lao động…
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngay sau Tết và trong cả năm 2023 của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động, việc làm đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thực hiện. Đó là, Trung tâm cần tiến hành thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là các vị trí việc làm có tính thời vụ để tuyên truyền đến người lao động. Đẩy mạnh công tác kết nối cung – cầu, kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động
Đặc biệt, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, tổ chức  phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho những doanh nghiệp có cắt giảm lao động về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn; về thủ tục giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động..
Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm qua các công cụ Zalo OA, facebook, điện thoại, email, tìm việc nhanh trên website, sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, … để người lao động có thể tiếp cận được với việc làm nhanh chóng, thuận lợi; nhất là lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu về việc làm. Đẩy mạnh hoạt động chăm sóc doanh nghiệp, người lao động; cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu tạo nguồn dữ liệu đáng tin cậy phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Văn Tuyên cho biết thêm, Sở và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn hướng dẫn, tuyên truyền các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt pháp luật lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp đồng thời làm cơ sở để thu hút nguồn lao động đang cần tuyển./.
 
Mỹ Hạnh