Lao động
Bình Định thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
03:08 PM 30/11/2020
(LĐXH) Qua 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề của tỉnh Bình Định vượt so với mục tiêu kế hoạch. Chất lượng LĐNT đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động có nghề nghiệp, tìm được việc làm ổn định cuộc sống.

Lớp dạy nghề May công nghiệp cho lao động dân tộc thiểu số ở xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có tổng diện tích tự nhiên là 6.071,3 km2. Toàn tỉnh có 08 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố với 159 xã, phường, thị trấn; Dân số 1.487,817 người; Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 891.238 người (trong đó lực lượng LĐNT từ 15 tuổi trở lên là 636.212 người, chiếm 71,39%; lao động nữ 427.081 người, chiếm khoảng 47,9%); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp/chứng chỉ chiếm 19,20%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2019 là 54,39% và mục tiêu đến năm 2020 là 56%. Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề để các địa phương triển khai thực hiện. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai, tổ chức hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho LĐNT; Kế hoạch giám sát, đánh giá kết quả hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT tại các huyện, thị xã, thành phố; Kế hoạch kiểm tra công tác triển khai thực hiện hoạt động GDNN tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
Lớp Trồng rau an toàn ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước,
Trong giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề 03 cấp trình độ được 107.099 người, đạt 121,02% kế hoạch. Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề và nguồn kinh phí thực hiện Đề án 1956 là 27.181 người, đạt 129,43% kế hoạch. Tổng kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo cho LĐNT theo Đề án là hơn 117 tỷ đồng. Người lao động sau khi học nghề có việc làm và tự tạo việc làm đạt trên 70%. Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh dự kiến đào tạo nghề 03 cấp trình độ cho 95.383 người, đạt 109% kế hoạch. Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo theo Đề án 1956 từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 17.943 người, đạt 102,53% kế hoạch. Đối tượng thuộc diện chính sách được hỗ trợ tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg khoảng 9.974 người. Tổng kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo cho LĐNT theo Đề án là 66,3 tỷ đồng. Tỷ lệ LĐNT được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập chiếm 80%.
Lớp Trồng và nhân giống nấm ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước
Để nâng cao nhận thức về công tác dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT như: Hàng năm tổ chức Hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề, Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật về đào tạo nghề đối với LĐNT cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN cấp huyện, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và cơ sở tham gia đào tạo nghề dưới 03 tháng. Chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Đến nay, có 98% người dân trên địa bàn tỉnh biết đến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở một số nơi vùng sâu, vùng xa của 03 huyện miền núi An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT; định kỳ hàng năm rà soát, cập nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT; phê duyệt danh mục đào tạo nghề nghiệp, định mức chi phí đào tạo nghề.
Cùng với đó, tỉnh Bình Định cũng thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình dạy nghề cho LĐNT như: Mô hình đào tạo nghề Chăn nuôi gia súc, gia cầm nuôi gà thả vườn, an toàn dịch bệnh cho nhóm lao động làm nông nghiệp ở các vùng núi và vùng chuyên canh ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn; Mô hình đào tạo nghề Thủ công mỹ nghệ (làm nón lá) cho nhóm nông dân ở vùng đồng bằng làm nghề nông chuyển sang làm nghề công nghiệp, dịch vụ ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát; Mô hình đào tạo nghề mây tre đan cho LĐNT ở huyện An Nhơn và huyện Vân Canh; Mô hình đào tạo nghề Nuôi trồng thủy sản (nuôi cá lóc trên bạt) cho nhóm lao động đánh bắt xa bờ ở các vùng đầm hồ ven biển ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn... Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2016-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề và nhân rộng các mô hình cho 1.296 người tại 11 huyện, thị xã, thành phố với các mô hình như: Hợp tác xã nghề Kỹ thuật chế biến món ăn; mô hình Sản xuất mây tre đan; mô hình Kỹ thuật hàn; mô hình Mộc dân dụng; mô hình May công nghiệp; mô hình Điêu khắc gỗ; mô hình Tạo dáng và chăm sóc cây cảnh... Các mô hình được đánh giá có hiệu quả cao trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân tận dụng thời gian nông nhàn tham gia học nghề; đồng thời nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở GDNN, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề và nguồn kinh phí địa phương, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các cơ sở GDNN đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT, với tổng kinh phí 58,3 tỷ đồng. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị đào tạo nghề; đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Giai đoạn 2016 - 2019, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung bộ bồi dưỡng kỹ năng dạy học tích hợp và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho hơn 133 nhà giáo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo của đơn vị. Năm 2020, phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ tổ chức lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên GDNN; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tổ chức lớp bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng nghề cho 20 nhà giáo GDNN.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, Đề án 1956 đã thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã; Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo nghề được hình thành từ tỉnh xuống cơ sở, nhận thức về vai trò đào tạo nghề, học nghề của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nâng lên rõ rệt; Các cấp, các ngành và địa phương đã có sự phân công và phối hợp thực hiện Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cụ thể hoá bằng các Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị, Đề án, kế hoạch thực hiện, lồng ghép trong các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lớp Trồng và nhân giống nấm ở Ân Hữu, Hoài Ân
Công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề từng bước được đổi mới, đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ về đào tạo nghề LĐNT cho cấp huyện, hướng đến việc tổ chức các mô hình đào tạo nghề mang lại hiệu quả cao như: Liên kết giữa chính quyền địa phương, cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập; Liên kết giữa đào tạo nghề và cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp, xưởng sản xuất tại các địa phương nhằm giải quyết việc làm tại chỗ... góp phần nâng cao năng suất lao động; Thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của một bộ phận người dân; Áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
 Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, đặc biệt là thông qua các Hội, đoàn thể, chính quyền ở địa phương đã giúp cho đông đảo nhân dân được biết về chính sách của Quyết định 1956 và tích cực tham gia học nghề. Nhiều LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án, đặc biệt đã tạo cơ hội cho nhiều người thuộc diện người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, dân tộc thiểu số được học nghề và có việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh hàng năm tăng 2% trở lên. Hiệu quả đào tạo đào tạo nghề cho LĐNT được tăng lên, trong đó một số nghề chiếm tỷ lệ trên 80% như nghề May công nghiệp, Chế biến món ăn, Điện dân dụng, Sản xuất hàng mây tre đan, Trồng trọt, Chăn nuôi...
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, tỉnh Bình Định phấn đấu đào tạo nghề cho 101.693 người, trong đó: Cao đẳng nghề 8.135 người; Trung cấp nghề 9.153 người; Sơ cấp nghề và đào tạo theo các chương trình khác 84.406 người. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 66%; Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm khoảng 70-80%./.
Hồng Phượng