Xã hội
Bình Định: Nỗi nhọc nhằn mưu sinh của những người già
04:47 PM 25/09/2018
Vì nhiều lý do, không ít cụ ông, cụ bà dù lưng còng, gối mỏi vẫn phải vất vả mưu sinh. Họ không ngại nắng mưa, làm đủ việc mong kiếm được dăm ba đồng trang trải cuộc sống.
Nặng gánh tuổi xế chiều
76 tuổi, cái tuổi lẽ ra được sống an nhàn, hạnh phúc bên con cháu, nhưng với ông Trần Thanh (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) đó là giấc mơ xa vời. Ngoại trừ những lúc đau ốm, còn lại bất kể mưa nắng, hàng ngày ông đều đạp xích lô chở hàng. Từ tờ mờ sáng, những vòng quay xích lô của ông lại chậm rãi chở hàng cho các chị bán rau ở chợ.
Tranh thủ lúc ông cụ đang chờ khách quen để chở hàng, tôi lân la làm quen và bắt chuyện. Ông cụ đưa tôi cây viết và tờ giấy, rồi chỉ vào tai, nói: “Cô cứ viết ra đây, tôi không nghe thấy gì cả!”. Qua những dòng chữ nguệch ngoạc trên giấy, tôi được biết vợ ông Thanh đã mất từ lâu. Giờ ông sống với 2 người con cũng lớn tuổi, bị bệnh nên đều độc thân và cũng không làm được gì. Ông là lao động chính của cả nhà. Mỗi ngày, sức già chỉ ăn lưng 2 chén cơm, nhưng phải ròng rã đạp xích lô từ sáng đến chiều để kiếm sống. Ngày nhiều được 3 - 5 “cuốc”, có khi chẳng có khách nào nhưng ông Thanh vẫn luôn lạc quan. Song, nhìn những vòng quay của bánh xe từ từ, chậm rãi của ông, tôi hiểu rằng đã đến lúc ông cần được nghỉ ngơi.
Cụ Thanh vẫn ngày ngày đạp xích lô để có tiền trang trải cuộc sống
Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Tâm, 73 tuổi, vẫn kiên trì bám trụ tại một ngã 3 thuộc phường Thị Nại để bán xôi. “Con cái đã có gia đình, nhưng thấy các con đầu tắt mặt tối lo cái ăn rồi chăm sóc các cháu còn nheo nhóc, đau ốm, tôi nghĩ, mình còn sức khỏe thì đỡ gánh nặng cho con cháu. Hơn nữa, làm có tiền muốn mua gì thì mua, mà cũng quen tay rồi, nghỉ lại thấy buồn”, bà Tâm vừa bán hàng vừa nở nụ cười hiền chia sẻ. Cả tuổi trẻ của bà gắn với gánh xôi cũng là “cần câu cơm” nuôi mấy mẹ con bà, kể từ khi người chồng ra đi biền biệt.
Mưu sinh, với người cao tuổi, nỗi vất vả tăng lên gấp bội. Thực tế cho thấy, người già mưu sinh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Tai nạn giao thông do khả năng quan sát, phản xạ kém; dễ ngã bệnh bởi sức khỏe yếu. Tuy vậy, vì nhiều lẽ, họ vẫn phải tất tả ngược xuôi để kiếm sống, như cụ bà bán cốm, bánh tráng trên các ngả đường trung tâm TP Quy Nhơn mà nhiều người vẫn gặp, dù lưng còng, mắt mờ nhưng vẫn gánh hàng đi khắp nơi để bán, mỗi một gói hàng được bán đi bà lại nhoẻn miệng cười.
Điểm chung của các cụ già mưu sinh mà tôi tiếp xúc, là dù khổ cực nhưng họ vẫn không buông xuôi. Họ luôn mong muốn giữ được sức khỏe để lao động, để không là người “thừa” trong gia đình và là gánh nặng cho xã hội, dù rằng họ xứng đáng được nghỉ ngơi.
Xã hội cùng chung tay
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 57.000 người cao tuổi đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Luật Người cao tuổi; khoảng 60.000 người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm. Ông Phan Như Hải, Phó trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi như trợ cấp bảo trợ xã hội cho người cao tuổi theo NĐ 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho trên 53.000 người cao tuổi; đưa 73 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa vào nuôi dưỡng chăm sóc ở các cơ sở Bảo trợ xã hội của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 167 câu lạc bộ người cao tuổi ở 85 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các CLB thường xuyên có những hoạt động phù hợp với người cao tuổi như thăm hỏi khi ốm đau, động viên các cụ giữ gìn sức khỏe, an lạc tuổi già. Đã có 215 hộ gia đình có người cao tuổi được các doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ cải thiện nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống, giảm dần số hộ có người cao tuổi đang khó khăn về nhà ở trong tỉnh.
Hội cũng tích cực phối hợp với các đoàn thể, địa phương và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động như tư vấn sức khỏe, tạo sân chơi thể dục thể thao bổ ích cho người cao tuổi; vận động cộng đồng thôn xóm quan tâm, giúp đỡ người cao tuổi trong địa bàn dân cư nhằm giúp các cụ có cuộc sống ổn định hơn.
Tuy vậy, sự chung tay của cộng đồng, xã hội chưa đến được với từng phận người với những hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội khác nhau, vậy nên nhiều người cao tuổi vẫn phải mưu sinh. Và phía sau những cuộc đời ấy luôn có những câu chuyện chưa được nói hết…  
Kiều Anh