Xã hội
Bình Định nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo
03:01 PM 22/11/2018
(LĐXH)- Bình Định là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với diện tích tự nhiên 6.025km2. Toàn tỉnh có 3 huyện nghèo miền núi thuộc Chương trình 30a, có 26 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn III, 47 thôn đặc biệt khó khăn ở 14 xã khu vực II, 18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và 59 xã thuộc địa bàn vùng khó khăn.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức do khí hậu thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, mùa mưa trùng với mùa bão nên thường gây ra lũ lụt, ngược lại mùa nắng kéo dài nên gây hạn hán ở nhiều nơi. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết tâm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân nỗ lực cao trong thực thi chính sách và huy động nguồn lực đề thực hiện hiệu quả chương trình. Trong đó có Nghị quyết HĐND tỉnh Bình Định khóa XII đề ra tại kỳ họp thứ 4 năm 2017 sẽ được thực hiện bởi sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2017, toàn tỉnh hiện có 37.181 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 8,78%), 26.438 hộ cận nghèo (chiếm 6,24%).

Mô hình trồng tiêu ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát (Bình Định) đã giúp nhiều người dân thoát nghèo

Trong năm 2018, thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 160,9 tỉ đồng hỗ trợ cho sở, ban, ngành và địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018. Qua đó, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 71 tỉ đồng cho 3 huyện nghèo và 16 xã bãi ngang (Chương trình 30a); hỗ trợ 47,8 tỉ đồng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn đầu tư cơ sở vật chất (Chương trình 135). Ngoài ra, đối với các xã trên địa bàn ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, UBND tỉnh phân bổ 1,541 tỉ đồng để hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo do Sở Lao động - TBXH theo dõi là 925 triệu đồng. Sở đã trình UBND tỉnh ra Quyết định phân bổ kinh phí cho huyện Phù Cát thực hiện mô hình “Làm nón lá ép hoa” tại xã Cát Tân và Cát Trinh; thực hiện mô hình “Trồng hành lấy củ” tại xã Mỹ Tài và Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ); mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” tại 15 xã, phường của thị xã An Nhơn. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù tại các xã bãi ngang ven biển, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình khác hỗ trợ khác cho các xã khó khăn xây dựng các công trình về cầu, đường, trường, trạm nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân trên địa bàn.
Thông qua đó, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cấp thẻ BHYT cho 87.319 người thuộc hộ nghèo, 30.645 người thuộc hộ cận nghèo, 11.077 người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 47.726 người dân xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, 62.211 đối tượng bảo trợ xã hội. Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, có 25.003 hộ được vay vốn với lãi suất ưu đãi với tổng kinh phí gần 862 tỉ đồng; trong đó, 5.671 lượt hộ nghèo vay, 4.588 lượt hộ cận nghèo và 2.592 lượt hộ mới thoát nghèo; ngoài ra, còn có 517 lượt hộ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay, với kinh phí là hơn 17,1 tỉ đồng.
Góp phần cho an sinh xã hội, toàn tỉnh đã có 219 hộ có nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ vào cuối năm 2017 được hỗ trợ với tổng số tiền 5,195 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ tiền điện năm 2018 cho 33.156 hộ nghèo, 4.676 hộ chính sách xã hội có lượng điện tiêu thụ dưới 50 Kwh/tháng, 86 hộ chính sách xã hội ở vùng chưa có điện lưới với tổng số tiền thực hiện 23,2 tỉ đồng.
Với sự cố gắng cao nhất, công tác giảm nghèo trong năm 2018 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Một số mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả đã được nhân rộng, khuyến khích mọi người dân tham gia, đặc biệt là các  mô hình trang trại, kinh tế hợp tác xã ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển. Qua đó, người nghèo đã có bước chuyển biến về nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. 

Chí Tâm