Lao động
Bình Định đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp
02:29 PM 27/11/2018
(LĐXH)- Với mục tiêu nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp, đồng thời thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, ngành LĐTB&XH Bình Định đã không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngay từ đầu năm nay, Sở LĐTB&XH đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc vấn đề này, trong đó nhấn mạnh: Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan cần phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp, phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; phản ánh về GDNN, về kết quả của quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng; Giới thiệu, biểu dương các gương tập thể, cá nhân tiến tiến, các mô hình, cơ sở GDNN hoạt động hiệu quả.
Đoàn công tác giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Tây Sơn
Cùng với đó, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo để định hướng cho người học và xã hội có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp; Chỉ đạo các doanh nghiệp tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ sở GDNN để hỗ trợ đào tạo gắn với thị trường lao động, gắn với việc làm; Dự báo nhu cầu nhân lực, xu hướng phát triển của các ngành nghề trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sở yêu cầu các cơ sở GDNN tiếp tục đẩy mạnh, duy trì thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật trong lĩnh vực GDNN; chú trọng tới đối tượng tuyên truyền để tìm ra hình thức phù hợp, nội dung cần thiết. Phản ánh đa dạng, phong phú hoạt động trong lĩnh vực GDNN nói chung và của cơ sở GDNN nói riêng. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào công tác tuyển sinh, kết quả, hiệu quả đào tạo; làm nổi bậc quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN trước yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao trong quá trình hội nhập, của thị trường lao động và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; giới thiệu những điển hình của người dạy, người học, mô hình khởi nghiệp thành công từ GDNN...
Thực hiện tốt quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tích cực, chủ động triển khai công tác tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; ưu tiên địa bàn tuyển sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội.
Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động, tạo điều kiện để học sinh - sinh viên đã tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập ổn định; giới thiệu những tấm gương điển hình về học nghề, lập nghiệp để người học có lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Bế mạc lớp nghề mô hình mây tre đan ở TX An Nhơn
Đẩy mạnh công tác phân luồng
Triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành LĐTB&XH tỉnh chỉ đạo các trường THPT và trung tâm GDTX-HN trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường. Trong chương trình và kế hoạch dạy học ở bậc THCS đã chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài chương trình tư vấn hướng nghiệp 9 tiết/năm, các môn học khác đều có định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua bài giảng. Ngoài việc học ở trường các em còn được học nghề phổ thông tại các Trung tâm GDTX-HN, hàng năm có khoảng gần 20.000 học sinh THCS học nghề phổ thông.
Để phân luồng học sinh ngay từ THCS, hàng năm Bình Định chỉ tuyển từ 35% (đối với TP.Quy Nhơn), 43% (đối với các huyện đồng bằng, trung du), 80% (đối với huyện miền núi) vào học lớp 10 THPT công lập; số còn lại để các em và gia đình tự lựa chọn vào học THPT công lập tự chủ hoặc tư thục, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, nhưng thực tế hầu hết các em đều đăng ký vào học phổ thông, chỉ có khoảng dưới 0,5% học nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Theo đánh giá, việc phân luồng học sinh sau THCS đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; sự quan tâm chỉ đạo của liên Bộ LĐTB&XH, Giáo dục và Đào tạo; quy mô phát triển giáo dục và mạng lưới trường lớp được chuẩn hóa, từng bước được nâng cao ở các cấp học, bậc học.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác phân luồng chưa thực sự như mong muốn. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhận thức của xã hội về công tác phân luồng học sinh chưa đầy đủ, nhất là tâm lý của phụ huynh và học sinh về nghề nghiệp còn hạn chế, chưa phản ảnh đúng thực tế năng lực và trình độ của con em mình.
Chất lượng giáo dục của tỉnh tuy ngày càng được tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động, chưa chú trọng kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa được chú trọng đúng mức, công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo nghề chưa được hiệu quả. Giải quyết việc làm sau đào tạo nghề còn nhiều bất cập và hạn chế.
Trong khi đó, tâm lý phụ huynh và học sinh quá coi trọng bằng cấp, tâm lý “thích làm thầy, ngại làm thợ” đã ăn sâu vào nhận thức người dân, nhất là thanh niên;  tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, trình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm gây tác động xấu đến công tác hướng nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, độ tuổi học sinh tốt nghiệp lớp 9 (15 tuổi) chưa phù hợp với việc đi học xa nhà; cá nhân, đơn vị sử dụng lao động chưa đánh giá đúng vai trò của từng trình độ đào tạo nghề và chưa thật sự đãi ngộ theo chất lượng công việc; các trường có đào tạo TCCN và trung cấp nghề chưa quan tâm đúng mức đến nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THCS do thời gian đào tạo dài và yêu cầu phức tạp trong khâu quản lý học sinh; số cơ sở trường học ở bậc THPT trên địa bàn tỉnh tăng nhanh; hệ thống trung tâm GDNN-GDTX chưa được phát triển đủ tại các địa bàn và chưa được đầu tư đúng mức...
Có thể khẳng định, phân luồng học sinh sau THCS được xác định là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên trung học phổ thông, sau đó thi vào đại học hoặc cao đẳng. Từ đó, tỷ lệ học sinh sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, điều này gây áp lực rất lớn cho các trường đại học, cao đẳng và ngược lại, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề tuyển sinh gặp khó khăn.
Để tăng cường chất lượng, hiệu quả của việc phân luồng học sinh sau THCS, những năm qua, Bình Định đã thực hiện không ít các giải pháp cụ thể, bước đầu cho hiệu quả tích cực. Cụ thể: Tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp và các môn học liên quan ở THCS; tuyên truyền xoá bỏ tâm lý mặc cảm hoặc kỳ thị đối với những người lựa chọn con đường đi thẳng từ THCS vào các trường TCCN, trung cấp nghề hoặc vừa làm vừa học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Cùng với đó, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; phát triển đầy đủ và tăng cường đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; chuyển mạnh mục tiêu từ phát triển theo số lượng sang đầu tư vào chất lượng đào tạo ở các trường THPT công lập và ngoài công lập...
Tuy nhiên, để công tác phân luồng thực sự đạt hiệu quả thực tế và trở thành một quy luật tất yếu được thừa nhận, cần thêm sự quan tâm, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là từ phía học sinh và phụ huynh. Đặc biệc, cần nhấn mạnh cho các em học sinh hiểu việc phân luồng sau THCS để giúp mỗi cá nhân học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội mà không nhất thiết phải theo đuổi việc được học đại học. Đồng thời, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; cần quan tâm phát triển đầy đủ và tăng cường đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên./.
Hồng Minh