Xã hội
Bình Định đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm
12:27 PM 26/12/2016
(LĐXH)- Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định, tình hình tệ nạn mại dâm và các tội phạm liên quan đến mại dâm ở tỉnh hiện nay không có biểu hiện hoạt động công khai, nhưng lại diễn biến hết sức phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát.
Tệ nạn này đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Dù nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực triệt xoá, nhưng tệ nạn này vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều biến tướng. Bởi trên thực tế, gái mại dâm là những đối tượng “ẩn”, có sự biến động lớn và thường tổ chức liên kết với nhau thành các nhóm độc lập, thoát ly khỏi sự điều hành, chỉ đạo của đối tượng môi giới. Các đối tượng mại dâm hoạt động núp bóng dưới nhiều loại hình dịch vụ, như: phục vụ quán cà phê giải khát, tiếp viên karaoke hoặc hợp đồng xoa bóp tại các cơ sở massge, làm tạp vụ cho các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ... khi có nhu cầu là hoạt động mại dâm. Không những thế, các đối tượng này thường móc nối với một bộ phận người làm nghề xe ôm, tài xế taxi… để lập đường dây mại dâm và chỉ giao dịch qua điện thoại... do vậy lực lượng Công an, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp và chính quyền địa phương khó theo dõi, kiểm soát để xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Một biển hiệu tuyên truyền về phòng chống tệ nạn mại dâm
Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh Bình Định hiện có 38/159 xã, phường, thị trấn là địa phương có tệ nạn mại dâm và số lượng người bán dâm trên toàn tỉnh ước tính trên 150 người. Tập trung nhiều nhất là thành phố Quy Nhơn, các thị trấn dọc quốc lộ 1A qua các huyện, thị xã trong tỉnh và quốc lộ 19 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp, công cộng nơi đông người vui chơi giải trí, nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ... là nơi thuận tiện cho việc hoạt động mại dâm.
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, thời gian qua các cấp, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố ở Bình Định đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sát thực với thực tế. Đồng thời gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề; xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Trong đó tập trung vào việc tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; truy quét, triệt phá ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm; lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm vào các chương trình, kế hoạch, cuộc vận động của ngành, địa phương xây dựng các mô hình giảm hại, phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, tập huấn, hướng dẫn về công tác hỗ trợ, can thiệp, giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm cho cán bộ trực tiếp làm công tác này.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình tệ nạn mại dâm tại các địa bàn trọng điểm, truyền thông vận động toàn dân tham gia trấn áp các loại tội phạm, xây dựng thí điểm, nhân rộng các mô hình về phòng ngừa, giảm tác hại trong phòng, chống tệ nạn mại dâm. Các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cũng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như: diễn đàn thanh niên, diễn đàn công nhân lao động, sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ, tập huấn tuyên truyền viên, báo cáo viên, in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp, kẻ vẽ pa nô, khẩu hiệu về các biện pháp phòng, chống mại dâm và tệ nạn xã hội trong đông đảo cán bộ, hội viên, công nhân viên lao động và cộng đồng nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá các vụ án về mại dâm và lập hồ sơ quản lý đối với người môi giới, người bán dâm.
Tuyên truyền người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Bình Định cho biết: Để công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của tệ nạn mại dâm, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; các ngành chức năng cũng sẽ đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá hầu hết các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm, cơ bản xóa bỏ các tụ điểm mại dâm trá hình và mới phát sinh ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Phấn đấu mỗi năm có 2 xã, phường, thị trấn từ có ít tệ nạn mại dâm xuống không còn tệ nạn mại dâm, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh còn khoảng 48 xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm, ma túy và được tiến hành đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không còn tệ nạn mại dâm, ma túy.   
Bên cạnh đó, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của tệ nạn mại dâm tới 100% xã, phường, thị trấn, công tác giáo dục hoàn lương cho người bán dâm cũng được chú trọng. Tỉnh sẽ tập trung giải quyết vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo cho người bán dâm sau thời gian giáo dục được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tránh phân biệt kỳ thị. Đồng thời, phát động toàn dân phát hiện kết hợp với điều tra, khảo sát, thống kê để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình tệ nạn mại dâm trên từng địa bàn, cụm dân cư. Chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã lập kế hoạch tổ chức giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luaạt. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp, nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách và thu hút cán bộ có trình độ, có tâm huyết làm công tác phòng, chống tệ nạn ở địa phương.

Chí Tâm