Xã hội
Bình Định chú trọng công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em
04:06 PM 28/06/2019
(LĐXH) – Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 1,2%; tỷ lệ trẻ em có HCĐB được trợ giúp đạt tỷ lệ 97%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; trẻ em có HCĐB đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách trợ giúp như: trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, hỗ trợ học phí cho học sinh vùng khó khăn...
Diễn đàn trẻ em huyện Sơn Tây với chủ đề: Trẻ em với các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em"
Có được những kết quả trên là do UBND tỉnh đã chủ động và kịp thời chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em... Đặc biệt, các sở ban ngành trong tỉnh cũng thành lập Đoàn công tác kiểm tra liên ngành để giám sát việc triển khai thực hiện quyền trẻ em và các văn bản khác liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố và một số xã, phường, thị trấn qua đó kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình triển khai ở địa phương, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan đến trẻ em.
Tiếp đó, thực hiện hướng dẫn của Cục Trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện việc rà soát, ghi chép thông tin vào Sổ theo dõi trẻ em trong gia đình và thực hiện cập nhật vào phần mềm. Tính đến ngày 13/3/2019, số trẻ em cập nhật vào phần mềm Quản lý trẻ em là 312.401 trẻ/ tổng số 347.129 trẻ. Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến đuối nước trẻ em dưới 16 tuổi tại tỉnh Bình Định - Đề xuất các giải pháp can thiệp và đánh giá kết quả can thiệp nhằm giảm nguy cơ mắc và tử vong trẻ em dưới 16 tuổi do đuối nước tại một số huyện tỉnh Bình Định”...
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, trên thực tế công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Bình Định cũng còn một số khó khăn do nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, một số địa phương chưa thực sự chú trọng và dành nhiều nguồn lực tương xứng, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn tồn tại sự cách biệt về sự đầu tư cho trẻ em. Đội ngũ cán bộ ở cấp xã thiếu ổn định, thống nhất, nhiều trường hợp hạn chế về năng lực dẫn đến việc nắm bắt thông tin, thu thập xử lý thông tin cũng như xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Việc cập nhật dữ liệu trực tiếp qua mạng gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng thông tin cơ sở chưa đảm bảo; không có đường truyền hoặc internet quá yếu, một số địa phương chưa bố trí được máy vi tính dành riêng cho người làm công tác trẻ em...
Diễn đàn trẻ em năm 2018 tại Bình Định
Trên thực tế, phần đông đời sống của người dân còn khó khăn nên thời gian dành cho việc quan tâm, chăm sóc cho con cái chưa được nhiều dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Sự gia tăng dân số và công tác quy hoạch, xây dựng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em nhất là vùng nông thôn. Tình trạng dạy thêm và học thêm vẫn còn diễn ra, áp lực học tập nặng nề dẫn đến thời gian để trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi không nhiều, các cơ sở giáo dục chưa trang bị các kỹ năng tự bảo vệ cần thiết cho trẻ em như kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, phòng tránh bạo lực xâm hại...
Để khắc phục những tồn tại trên, Bình Định đã có kế hoạch cụ thể cho từng năm cũng như đưa ra những giải pháp trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em cũng như chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, trang bị các kỹ năng tự bảo vệ cần thiết cho trẻ em như kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, phòng tránh bạo lực xâm hại.../.
NHB