Lao động
Bình Định chủ động phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động
09:32 AM 08/04/2022
(LĐXH)- Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Chỉ tính riêng năm 2021, Ngành Y tế tỉnh Bình Định đã khám sức khoẻ định kỳ cho 40.368 người lao động (tăng 18.015 người so với năm 2020). Trong đó, sức khoẻ Loại I là 19.992, chiếm 49,5%; loại II 12.335, chiếm 30,6%; loại III 5.798 chiếm 14,4%; loại IV 1.604, chiếm 4,0%; loại V 1.226, chiếm 3,0%.
Qua khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người lao động được khám sức khoẻ phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là 15 người (7 nữ); người lao động được chuẩn đoán phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp 15 người (7 nữ); người lao động được giám định phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp 15 người (7 nữ). Kết quả giám định bụi phổi silic nghề nghiệp từ 5% - 31% có 6 người (4 nữ), giám định lớn hơn 31% có 9 người (3 nữ).

Khám sức khỏe cho người lao động (ảnh minh họa)

Điều kiện môi trường lao động tại các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến đá ở Bình Định hầu hết đều có hàm lượng bụi trong không khí vượt giới hạn cho phép là nguyên nhân chủ yếu cho việc phát sinh bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và môi trường lao động một cách hiệu quả, người lao động chưa ý thức và chấp hành tốt các biện pháp bảo hộ lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, tỉnh Bình Định có 62 doanh nghiệp được quan trắc môi trường lao động. Kết quả quan trắc các yếu tố vi khí hậu, vật lý và hóa học trong môi trường lao động với tổng số 6.604 mẫu đo. Trong đó, tổng số mẫu không đạt tiêu chuẩn là 194 mẫu, chiếm tỷ lệ 2,94%; kết quả quan trắc yếu tố bụi trong môi trường lao động 1.162 mẫu, tổng số mẫu không đạt tiêu chuẩn là 23 mẫu, chiếm tỷ lệ 1,98%. Tại những vị trí, môi trường khi đo mẫu không đạt tiêu chuẩn, đơn vị chức năng đã đề nghị người lao động khi làm việc cần quan tâm bảo vệ sức khoẻ nhiều hơn.
Bên cạnh việc chủ động phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, huấn luyện ATVSLĐ cũng được Bình Định quan tâm thực hiện và đạt những kết quả ghi nhận.
Chỉ tính riêng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tỉnh không tổ chức Lễ động, song Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định cũng đã in ấn và phát hành hơn 9.500 tranh, tờ rơi, 2.000 áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động về Tháng hành động về ATVSLĐ. Treo hơn 300 băng rôn, phướn tuyên truyền, cổ động Tháng hành động trên các trục đường trung tâm thành phố Quy Nhơn, các huyện, thị xã, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức xe ô tô có gắn loa đi cổ động Tháng hành động về ATVSLĐ và phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp Khu công nghiệp, khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng hành động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định còn tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ cho cán bộ các sở, ban, ngành, UBND huyện thị xã, thành phố với 200 người tham gia; tổ chức 02 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ; phối hợp, mở 01 lớp hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động không có hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trên địa bàn với 150 lao động tham gia… Ngoài ra, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tự huấn luyện hoặc phối hợp với các tổ chức huấn luyện mở 22 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 3.100 người tham dự trong Tháng hành động về ATVSLĐ.
Mặc dù, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Bình Định đã quan tâm nhất định đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe người lao động; bố trí kinh phí cải thiện điều kiện làm việc và môi trường ở những nơi lao động làm việc nặng nhọc, độc hại; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát phát hiện nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; thường xuyên đôn đốc nhắc nhở người lao động chấp hành đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều doanh nghiệp, người lao động hạn chế hiểu biết kiến thức an toàn trong lao động, bảo hộ lao động dẫn đến tai nạn lao động trong khi làm việc, làm tăng vụ tai nạn lao động, tăng số người chết và bị thương. Cụ thể, năm 2021, trong khu vực có quan hệ lao động xảy ra 133 vụ tai nạn lao động làm bị thương và chết 35 người, trong đó chết 16 người (tăng 09 người so với năm 2020), bị thương nặng 19 người (tăng 3 người so với năm 2020); trong khu vực không quan hệ lao động xảy ra 8 vụ tai nạn lao động làm chết 4 người, tăng 3 vụ tai nạn lao động và tăng 2 người chết so với năm 2020.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm; đặc biệt là tượng lao động không có hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí chế tạo, hóa chất, sử dụng điện. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện thành công Kế hoạch Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Bình Định năm 2022.

Chí Tâm