Xã hội
Bình đẳng giới trong mắt tôi
08:56 AM 29/11/2018
(LĐXH)- Sự bất bình đẳng bây giờ không còn ảnh hưởng nhiều bởi chế độ, tư tưởng xã hội nữa. Mà chủ yếu nó nằm ở sự khác biệt giữa đặc tính tâm lý giữa hai giới và cá tính của từng cá nhân.
Ngày còn học phổ thông tôi được thầy giáo chia sẻ rằng: “không bao giờ có chuyện bình đẳng giữa hai giới”, bởi mỗi người sinh ra đã được ông trời quyết định trao cho những đặc tính, khả năng khác nhau dựa trên giới tính của họ. Ví dụ ngày xưa đàn ông có sức khỏe thì đi săn bắn, còn phụ nữ chân yếu tay mềm thì phù hợp với công việc nhẹ nhàng như hái lượm, nuôi con… tôi gật gù và đồng ý với chia sẻ của thầy. Nhưng sau này nghĩ lại thì tôi thấy thầy nói thế có vẻ không đúng.
Nếu như ngày xưa người phụ nữ phải gánh trên mình: “Tam tòng, tứ đức”, “Công, dung, ngôn, hạnh”. Họ không được đi học, thi cử, không được tham gia vào các công việc xã hội như đàn ông, không được quyền tự do yêu đương, hôn nhân bị sắp đặt: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và nặng nề vấn đề trinh tiết. Thì ngày nay, thông qua điều luật, xã hội đã cởi mở và tạo điều kiện rất nhiều cho người phụ nữ nắm giữ các quyền của con người giống như đàn ông.
Nhưng hệ tư tưởng xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống văn hóa phong kiến, và những hủ tục còn sót lại nên ở đâu đó trong xã hội vẫn còn những điều bất bình đẳng xảy ra đối với người phụ nữ: tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn dẫn đến tỉ lệ sinh con trai cao hơn con gái, vẫn có những người đàn ông có tính gia trưởng, và những người phụ nữ vẫn cam chịu những bất công như bạo hành, đánh đập, cấm đoán và không có quyền tự quyết những vấn đề của cá nhân.
(Ảnh minh họa)
Qua đây tôi xin nêu lên những câu hỏi và câu trả lời có liên quan tới vấn đề bình đẳng giới mà tôi đã tìm hiểu được:
1. Tại sao khi kết hôn phụ nữ lại về nhà chồng chứ không phải người đàn ông về nhà vợ?
Vậy lúc yêu nhau thường thì người đàn ông cầm cưa hay người phụ nữ cầm cưa? Khi cầu hôn là người đàn ông hay người phụ nữ? Mà thực ra nếu bạn và chồng bạn có tiền mua nhà riêng thì có thể ra ở riêng chứ không cần phải ở với nhà chồng được mà.
Tôi chỉ nói thêm cho vui thôi, vấn đề này thuộc về phong tục tập quán, truyền thống cưới hỏi của chúng ta từ trước đến nay.
2. Tại sao lại có câu “Cọc đi tìm trâu” để ám chỉ việc người phụ nữ cầm cưa người đàn ông là chuyện ngược đời? Chẳng lẽ trong chuyện tình cảm người phụ nữ không có quyền chủ động?
Tôi thì nghĩ rằng người phụ nữ rất có quyền chủ động trong chuyện tình cảm đó chứ! Có điều sự chủ động của họ khác với sự chủ động của người đàn ông. Nếu như trong chuyện tình cảm người đàn ông thường chủ động cầm cưa đối với người phụ nữ, thì đến một giai đoạn nào đó người phụ nữ lại chủ động muốn trói buộc người đàn ông. Chứ chẳng có con trâu nào chủ động đi tìm cọc để tự buộc mũi mình vào đó cả. Nhưng gặp được trâu ngon mà không tìm cách buộc nó lại mà để nó đi mất thì người phụ nữ đó khá là khờ. Một người phụ nữ thông minh thì sẽ trồng một đám cỏ xanh tốt thay vì cắm cọc buộc trâu. Tuy vậy, ngày nay việc phụ nữ chủ động cầm cưa tán tỉnh chinh phục đàn ông cũng không còn là chuyện hiếm nữa nên bạn cũng đừng băn khoăn nhé.
3. Tại sao con cái lại mang họ cha chứ không mang họ mẹ?
Là vì khi đứa trẻ đó được sinh ra thì nó chắc chắn là con của người vợ, nhưng chưa chắc đã là con của người chồng. Vì thế đặt tên con mang họ cha là để ám chỉ đứa con đó là con của người chồng.
Thực ra thì việc này là ảnh hưởng từ khi chúng ta theo chế độ phụ hệ từ thời xa xưa. Khi lấy nhau thì người vợ về ở cùng với người chồng và con cái của họ đặt tên theo họ của người chồng. Ở Việt Nam thì có một số dân tộc như Ê Đê, và cộng đồng người Chăm, họ lại theo chế độ mẫu hệ. Con cái đặt tên theo họ của người mẹ, nhưng vẫn giữ chế độ phụ quyền, tức là đàn ông nắm quyền quyết định chính trong nhà.
4. Tại sao đàn ông cởi trần thì được, nhưng phụ nữ thì không?
Tôi có đi hỏi một số người về vấn đề này thì họ cho biết. Nếu phụ nữ mà cởi trần ra đường thì rất dễ có đánh nhau và đặc biệt là rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Thế nên là vì hòa bình thế giới, phụ nữ mới không cởi trần nữa. Nhưng hiện nay theo như tôi biết một số chị em lại sẵn sàng nude để bảo vệ môi trường. Nên tôi nghĩ rằng phụ nữ muốn cởi trần thì chắc hẳn phải có lý do chính đáng và ý nghĩa.
5. Tại sao lại có những người đàn ông coi trọng chuyện trinh tiết đối với phụ nữ, trong khi họ chưa chắc đã giữ được zin của mình trước hôn nhân?
Tôi không biết các bạn nghĩ thế nào chứ tôi thì không coi những người đó là đàn ông, mà họ chỉ là những kẻ ích kỷ. Một người là đàn ông là khi anh ta thực sự biết quan tâm đến phụ nữ chứ không phải chỉ nghĩ đến cái màng trinh của cô ta. Nghĩ được như vậy, tức là trong mắt bạn chỉ còn lại những người đàn ông tốt thực sự.
6. Tôi để ý có rất nhiều người phụ nữ cũng đi làm ngoài xã hội giống như đàn ông, nhưng khi về nhà họ còn phải làm cả công việc nội trợ gia đình, trong khi người chồng chả làm gì, chỉ ăn no nằm khểnh vắt chân, xỉa răng xem tivi?
“Đàn ông biết làm việc nhà, thì đàn bà hạnh phúc ”.
Tôi cũng có đọc vài bài báo nghiên cứu về vấn đề này và hiểu được rằng: với sự khác biệt đặc tính về giới: đàn ông thường thích những công việc có tính khám phá, sáng tạo và mạo hiểm hơn là phải làm những công việc lặp đi lặp lại đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ như việc nhà. Thực tế cho thấy hầu hết những nhà khoa học, nhà soạn nhạc và những nhà sáng chế đều là đàn ông chứ không phải là phụ nữ. Đó là lý do đàn ông không thích làm việc nhà.
7. Tại sao đàn ông có sự nghiệp, có gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con khôn nhưng vẫn đi ngoại tình? Còn phụ nữ chỉ ngoại tình khi hôn nhân không hạnh phúc?
Đàn ông ngoại tình có rất nhiều lý do: Ở giai đoạn đỉnh cao, đẹp đẽ nhất của một người đàn ông là khi anh ta thành đạt, có gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con khôn, tức là khi đó anh ta có sức hấp dẫn lớn nhất. Việc anh ta ngoại tình là để chứng tỏ năng lực hấp dẫn cũng như khả năng chinh phục của bản thân, cũng là do đàn ông có tâm lý ham của lạ: một cái lạ bằng cả tạ cái quen, chán cơm thèm phở là chuyện bình thường.
Nếu như người vợ không biết cách thay đổi làm mới và duy trì sức hấp dẫn của bản thân thì việc chồng của cô ta một ngày nào đó đi ngoại tình là chuyện dễ hiểu, trong khi anh ta đang trong giai đoạn hấp dẫn nhất thì lúc nào cũng có hàng tá các cô gái trẻ đẹp sẵn sàng săn đón quyến rũ, chứ chưa chắc anh ta phải mất công đi cầm cưa chinh phục.
Một điều nữa là do sự khác biệt giữa đặc tính về giới: Từ thời nguyên thủy của loài người vẫn còn sống bầy đàn. Phụ nữ với đặc tính của con cái là nuôi nấng, chăm sóc con của mình, nên chỉ nằm một chỗ mang thai 9 tháng 10 ngày và nuôi con khi đẻ chúng ra, còn đàn ông mang trong mình bản năng và ham muốn mạnh mẽ của con đực có trách nhiệm phải đi nhân giống rộng rãi duy trì sự sinh tồn đối với loài, nên khả năng chinh phục để được quan hệ cao hơn nhiều so với con cái. Điều này còn ảnh hưởng đến tận xã hội phong kiến khi mà vua quan thì luôn có 5 thê bảy thiếp, rất nhiều vợ và cung tần mỹ nữ để phục vụ mình.
Ngày nay nếu người vợ không thể đáp ứng được nhu cầu sinh lý của người chồng cũng là một nguyên nhân lớn khiến đàn ông đi ngoại tình. Nhu cầu sinh lý được xếp vào nhóm nhu cầu cơ bản của con người theo tháp nhu cầu Maslow: thở, thức ăn, nước uống, tình dục, nghỉ ngơi, bài tiết, nơi trú ngụ. Thật khó yên ổn và hạnh phúc nếu như không được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu trên.
Người phụ nữ với đặc tính sống thiên về cảm xúc, thì việc yêu đương với họ gần như là một bản năng, họ thường coi tình yêu, hôn nhân, và gia đình là tất cả và cả cuộc sống của mình, khi hôn nhân không hạnh phúc, một số người lựa chọn việc tiếp tục chịu đựng sống với chồng để đảm bảo cho con cái nhưng vẫn đi ngoại tình, một số người còn lại thì lựa chọn việc ly hôn hoặc ly thân.
Cuộc sống áp lực từ công việc, sự nghiệp đến căng thẳng gia đình cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc ngoại tình cả ở đàn ông và phụ nữ khi cả hai thiếu đi sự quan tâm và chia sẻ với nhau dẫn đến việc không thể hòa hợp, và vô tình tạo ra những khoảng trống trong hôn nhân khiến người thứ 3 có thể nhảy vào cuộc.
8. Tại sao đàn ông ngoại tình thì phụ nữ lại dễ dàng chấp nhận tha thứ? Còn phụ nữ ngoại tình thì rất hiếm khi đàn ông tha thứ?
Câu hỏi này lại nằm ở sự khác biệt đặc tính tâm lý giữa hai giới. Đối với người phụ nữ, sau khi kết hôn, họ thường coi hôn nhân và gia đình là tất cả, là cuộc sống của mình. Nếu người chồng có đi ngoại tình thì việc từ bỏ một người chồng cũng là từ bỏ đi một gia đình và khiến sự gắn kết giữa những những đứa con có thể bị đứt gãy. Vì thế một số người lựa chọn chấp nhận tha thứ và nhẫn nhịn chịu đựng nếu như người chồng ăn năn hối cải, hoặc vẫn chu cấp kinh tế, lo cho cả gia đình.
Trong khi đó đối với đàn ông, nhiều người không coi gia đình là tất cả mà chỉ coi là sự ưu tiên số 1: Gia đình là thứ nhất, thứ 2 là bạn bè, thứ 3 là sự nghiệp,… Cuộc sống của họ là cả thế giới rộng lớn vẫy vùng bên ngoài. Nếu một người phụ nữ phản bội họ, thì họ có vẫn có thể li dị và lấy vợ khác nếu như họ có khả năng về kinh tế. Đàn ông có nhiều sự lựa chọn hơn phụ nữ khi không coi điều gì là tất cả, và họ quyết đoán hơn, khả năng ra quyết định tốt hơn phụ nữ rất nhiều. Còn người phụ nữ thường bị tâm lý phụ thuộc và ràng buộc chi phối nên khả năng ra quyết định kém. Sự lựa chọn của họ thường là nhẫn nhịn, bao dung và tha thứ.
Một nguyên nhân lớn nữa đó là tâm lý người đàn ông coi việc vợ của mình đi ngoại tình là xúc phạm đến danh dự, sĩ diện, lòng tự tôn thậm chí là cả gia đình, dòng họ của anh ta. Và điều này rất khó để tha thứ, bởi nhiều người còn coi trọng danh dự hơn cả mạng sống.
9. Tại sao phụ nữ học cao thì khó lấy chồng? Nhưng đàn ông học cao, sự nghiệp thành đạt thì dễ lấy vợ ?
Một đứa trẻ lớn lên thường bị ảnh hưởng rất lớn bởi việc giáo dục từ gia đình.
Các bé gái thường được các bà, các mẹ các chị dạy rằng: Là con gái phải biết nữ công gia chánh, ăn nói nhỏ nhẹ, cười duyên dịu dàng, công dung ngôn hạnh, học in ít thôi, sau đó chọn một công việc an nhàn để làm và dành thời gian chăm sóc cho gia đình. Từ đó các cô gái luôn có tư tưởng phấn đấu để trở thành một hình mẫu người phụ nữ của gia đình, rất ít cô gái lựa chọn trở thành một người phụ nữ của công việc, sự nghiệp. Và xu hướng của chị em phụ nữ luôn mong muốn mình có thể lấy được một anh chồng có sự nghiệp và thành đạt, có khả năng lo được kinh tế cho cả gia đình hoặc ít nhất thì cũng có thể đóng góp cùng vợ gánh vác trách nhiệm với gia đình.
Còn các bé trai thì được dạy rằng: là con trai phải có ước mơ, hoài bão, sống mạnh mẽ, cứng rắng, phấn đấu, rèn luyện để sau này trở thành một người đàn ông có sự nghiệp, thành đạt. Tất nhiên đây là hình mẫu một người đàn ông của công việc, và rất hiếm những chàng trai muốn mình trở thành một người đàn ông của gia đình. Và tất nhiên là những người đàn ông thành đạt thì thường lấy vợ là những người phụ nữ biết chăm sóc, dành thời gian cho gia đình.
Từ hai điều trên ta có thể thấy rằng tỉ lệ người phụ nữ của công việc và sự nghiệp và những người đàn ông của gia đình trong xã hội là rất thấp. Vì thế hai mảnh ghép hiếm đó khó có cơ hội có thể gặp được nhau. Và tâm lý phụ nữ khi lấy chồng đều muốn lấy một người đàn ông hơn mình một cái đầu. Người phụ nữ của sự nghiệp liệu có cơ hội lấy một người đàn ông cũng của sự nghiệp và thậm chí là còn phải giỏi và bận rộn hơn cô ta? Thời gian nào họ dành cho gia đình và yêu thương? Còn một điều nữa đó là phụ nữ hi sinh sự nghiệp vì một người đàn ông là chuyện bình thường, nhưng đàn ông mà vứt bỏ sự nghiệp vì một người phụ nữ thì thường bị đánh giá là ngu. Vậy người phụ nữ sự nghiệp đó có dám từ bỏ con đường đã chọn để trở thành một mẫu người của gia đình?
Sự bất bình đẳng ở đây nằm ở chỗ là những người trẻ không có cơ hội để được là chính mình, họ bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục của các bậc phụ huynh, sự hình thành nên con người của họ phản ánh ý chí của các bậc phụ huynh nhiều hơn là việc họ thực sự muốn mình sống như thế nào. Cơ hội nào cho một cô gái có đam mê nghề nghiệp, và một chàng trai thích chăm lo cho gia đình ? Tôi nghĩ vấn đề bình đẳng ở đây là việc mỗi người được sống tự do thoải mái với cá tính của mình chứ không bị phụ thuộc vào giới tính của họ.
10. Tại sao đàn ông lại có tính gia trưởng? và bạo lực gia đình thường xuất phát từ việc đàn ông đánh phụ nữ ?
Thực ra thì phụ nữ chắc nhiều khi cũng muốn đánh đàn ông lắm, nhưng họ không có đủ sức thôi. Còn theo tôi nghĩ việc đàn ông có tính gia trưởng thường có ba lý do:
Thứ 1: Là người vợ sống quá phụ thuộc vào người đàn ông nên họ không được tôn trọng. Sống phụ thuộc tức là không có tự do, không có tự do thì làm sao người vợ đó có quyền bình đẳng với người chồng?
Thứ 2: Là người đàn ông sống quá phụ thuộc vào người vợ. Thực tế cho thấy bây giờ nhiều người phụ nữ vừa làm vợ đồng thời vừa làm chồng thay cho cả chồng. Họ đi làm ngoài xã hội kiếm tiền và nuôi cho cả nhà. Trong khi người đàn ông đó chẳng làm được tích sự gì, anh ta cảm thấy yếu thế ngoài xã hội, tình trạng vô công rồi nghề dẫn đến nhàn cư vi bất thiện. Anh ta sa đà vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, gái gú…sống bản năng và thú tính.
Một người đàn ông vô giá trị ngoài xã hội, một người cha, người chồng không mẫu mực trong gia đình khiến anh ta cảm thấy tự ti và muốn vớt vát lại một chút sĩ diện và quyền hành cho bản thân dẫn đến nảy sinh tính gia trưởng thậm chí là đánh đập hành hạ người vợ, anh ta cậy vào giới tính của mình là đàn ông và vịn vào đó để cho rằng mình làm chủ gia đình và có quyền tự quyết tất cả mọi vấn đề trong nhà. Lỗi này một phần do người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhịn với người chồng và không có cách để tự giải quyết nên mới để xảy ra tình trạng trên.
Thứ 3: Cũng nhiều người đàn ông không sống phụ thuộc vào người vợ nhưng cũng nảy sinh tâm lý gia trưởng là bởi ảnh hưởng từ giáo dục của gia đình, từ ông, cha của mình và ảnh hưởng từ bạn bè, và các mối quan hệ ngoài xã hội khác xung quanh ít nhiều tác động vào việc hình thành nên nhân cách sống của anh ta.
11. Phụ nữ và con gái hay nói với nhau thế này: “Sinh ra làm phụ nữ vốn đã là khổ nhưng chọn nhầm người đàn ông của đời mình thì còn khổ hơn?” “Thông minh, xinh đẹp không bằng may mắn?”
Tôi nghĩ rằng những người đang cho rằng câu này là đúng, là những người không biết cách sống có trách nhiệm với bản thân, không biết cách chọn đàn ông tốt, hoặc có may mắn chọn được nhưng không biết cách yêu và giữ họ. Chị em phụ nữ nghĩ sao nếu như đàn ông chúng tôi cũng chọn nhầm người phụ nữ của đời mình. Không phải tự nhiên từ trước đến nay người ta hay nói: “Dẫu hiên ngang giữa đất trời, vợ dâm bạn đểu thì đời cũng xong” “Vua nghe hoàng hậu thì mất nước, quan theo vợ mất chức” “Bỏ cả giang sơn vì tri kỷ, ai ngờ tri kỷ thích giang sơn”
Nếu nói: “thông minh, xinh đẹp không bằng may mắn” thì tại sao chúng ta vẫn phải yêu, phải chọn lựa một người mà chúng ta cho là phù hợp để kết hôn? Sao không chọn bừa lấy một anh chàng nào đó để cưới cho đỡ mất thời gian, tốn công sức? Yêu ai, lấy ai là chuyện của may mắn cơ mà?
Nói: “Sinh ra làm người phụ nữ đã khổ…” Tôi thì hiểu thế này: chẳng ai muốn khổ cả, nhưng nói sinh ra làm phụ nữ là khổ thì chẳng ai muốn làm phụ nữ sao? Tại sao các bạn không thấy rằng rất nhiều người đẹp chuyển giới sang Thái để được sống thật với giới tính nữ của mình: như Trâm Anh, Lâm Chi Khanh, Lan Phương, Hương Giang… Tôi nghĩ việc họ chuyển giới không phải chỉ đơn giản là lựa chọn giới tính, mà họ muốn được sống thật là chính mình, họ thích đàn ông, họ muốn mặc váy, họ muốn làm đẹp, trang điểm và ăn diện, họ thích được theo đuổi, tán tỉnh, yêu chiều và cung phụng như một người phụ nữ thực sự… tất cả những đặc quyền của phụ nữ.
Không phải đơn giản chỉ là họ thay đổi giới tính mà là họ đã cố gắng thay đổi số phận của bản thân. Chúng ta cũng chẳng có quyền lựa chọn giới tính cũng như có nhiều tiền để thay đổi giới tính của mình, nhưng số phận nằm trong tay chúng ta, chúng ta có thể cố gắng thay đổi hoặc phó mặc cho sự may rủi. Làm hết sức mình mới hiểu được ý trời. Tôi nghĩ rằng, ít nhiều thì phụ nữ cũng cố gắng khi lựa chọn, khi yêu một ai đó, chỉ có điều một số người không biết chọn, biết yêu sao cho đúng để tìm được một người bạn đời tốt thực sự. Đó là vấn đề của bản thân người phụ nữ, chứ không phải là sự may rủi khi chọn lựa.
Nói: “ …chọn nhầm người đàn ông của đời mình còn khổ hơn”, đây là tư tưởng phụ thuộc vào đàn ông, chọn đàn ông để được hưởng hạnh phúc, hoặc cam chịu cộng thêm nỗi khổ khi chọn nhầm. Nếu bạn sử dụng công cụ tìm kiếm Goolge và gõ cụm từ: “Phụ nữ thích trai” thì ra một loạt gợi ý tìm kiếm: phụ nữ thích trai hư, phụ nữ thích trai đểu, phụ nữ thích trai trẻ, trai đẹp, trai giàu… chứ tuyệt nhiên không có “phụ nữ thích trai tốt” Điều đó chứng tỏ phần đông phụ nữ thích trai đểu, và họ không hề thích trai tốt - những người mà thường cố gắng chiều chuộng, cung phụng khiến họ vui vẻ, hạnh phúc nhưng điều này vô tình gây ra sự nhàm chán khiến họ không thích. Vậy hạnh phúc hay không là do cảm nhận của người phụ nữ chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào việc chọn đàn ông thế nào.
Ở mỗi một giai đoạn sống, hạnh phúc của chúng ta lại có giá trị khác nhau. Ngày còn đi học, hạnh phúc của chúng ta là được cha mẹ, gia đình yêu thương, che chở, được đến trường họp tập vui đùa cùng bạn bè. Lớn lên đi làm, hạnh phúc vẫn là một mái ấm gia đình, luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc sau những sóng gió của cuộc đời, hạnh phúc là có một công việc yêu thích để làm, tự kiếm tiền, tự lập nuôi sống bản thân và theo đuổi ước mơ… Trước khi phụ nữ và đàn ông đến với nhau, người ta ít nhiều có những khoảnh khắc cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Và hạnh phúc là điều hoàn toàn xuất phát từ bản thân, từ cảm nhận mỗi người. Cuộc sống rộng lớn có rất nhiều sự lựa chọn, tình yêu hay các mối quan hệ chỉ là một sự lựa chọn thêm vào chứ không phải là tất cả của chúng ta. Tôi chia sẻ điều này để các bạn hiểu, hạnh phúc là thứ không thể phụ thuộc vào ai hết, cũng không phải là thứ để đàn bà trông chờ dựa dẫm vào đàn ông, hạnh phúc xuất phát từ cố gắng từ bản thân mỗi người.
Qua 11 câu hỏi và trả lời trên, tôi muốn nói với các bạn rằng:
Sự bất bình đẳng bây giờ không còn ảnh hưởng nhiều bởi chế độ, tư tưởng xã hội nữa. Mà chủ yếu nó nằm ở sự khác biệt giữa đặc tính tâm lý giữa hai giới và cá tính của từng cá nhân. Mỗi người nên tự ý thức được việc phải sống được là chính mình chứ không hẳn phải phụ thuộc vào giới tính cũng như ảnh hưởng bởi sự giáo dục từ gia đình. Bởi rất nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cho con cái ngoại trừ việc không cho chúng được là chính mình.
Chúng ta cần ý thức được việc độc lập tự chủ và các vấn đề riêng tư của cá nhân. Sẽ rất khó có sự bình đẳng nếu như vẫn còn tồn tại sự phụ thuộc, dựa dẫm, ỷ lại và bị can thiệp, kiểm soát những vấn đề mang tính riêng tư của mỗi người, dù rằng là trong hôn nhân. Tôi thường thấy mọi người hay kể những câu chuyện bất bình đẳng họ nhìn thấy và nghe được từ những số phận của một người khác chứ không phải của chính họ. Còn những người trong cuộc lại lựa chọn sự cam chịu, chấp nhận như là số phận của chính mình.
Nhưng bình đẳng giới không phải chỉ là vấn đề của xã hội hay ở đâu đó, của ai đó, mà là vấn đề của mỗi cá nhân chúng ta. Đừng để đến khi bất bình đẳng xảy ra với chính mình thì rất khó có thể trông chờ xã hội, tổ chức hay cá nhân nào có thể đứng ra chịu trách nhiệm, giải quyết hay đền bù… lúc đó thì tổn thương và thiệt thòi cũng đã quá nhiều rồi. Qua bài viết này tôi muốn mọi người hiểu hơn một phần nào đó về sự khác biệt về đặc tính giữa hai giới và ý thức được một lối sống độc lập, tự chủ cho bản thân để “Phòng còn hơn chống”./.
Nguyễn Thế Quỳnh