Xã hội
Bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái: Cần hành động quyết liệt (bài cuối)
09:10 AM 12/10/2018
Trước những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội do mất cân bằng giới tính khi sinh, Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này sẽ phải đối diện với không ít thách thức
Tăng cường phối hợp thực hiện

“Hầu hết phụ nữ mang thai đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh cho thấy tình trạng sử dụng trái phép và sai mục đích những thành tựu y học là rất phổ biến. Song, đến nay rất ít địa phương xử phạt theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số và trẻ em. Vì vậy, cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân cam kết không tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm là giải pháp quan trọng, cần thiết hiện nay”. 

GS.TS. Nguyễn Đình Cử 
Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em

Giảm tỷ lệ mất cân đối khi sinh, theo các chuyên gia được xem là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả. Bởi, khi đã triệt tiêu được tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” khi ấy quyền và tiếng nói của trẻ em gái mới được coi trọng. Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần triển khai một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hệ lụy của mất cân bằng giới khi sinh. Từ đó, nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Theo GS. TS. Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em: “Mặc dù về hệ thống chính sách đã khá đầy đủ với các quy định chặt chẽ về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Song, để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này đi vào cuộc sống cần cụ thể hóa hơn nữa. Mặt khác, khi xây dựng các chính sách pháp luật cần chú ý khía cạnh giới”.
Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Hoàng Thị Thu Huyền cho rằng, một trong những trọng tâm trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay là tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới. Qua đó, các sáng kiến, mô hình, can thiệp để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt mô hình thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cần được nhân rộng, triển khai tích cực và mạnh mẽ hơn ở các ngành, các cấp.
Xóa bỏ bất bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh. Nguồn: ITN
Thay đổi nhận thức về giới
Thực tế trong những năm qua, hệ thống chính sách luật pháp của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình liên quan đến lĩnh vực này được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Điển hình, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ngự trị dai dẳng trong xã hội vẫn tiếp tục là hệ quả xấu đối với nam giới trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân trước hết và chủ yếu của thực trạng bất bình đẳng giới là do công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả cao; nội dung tuyên truyền chưa được thường xuyên, sâu rộng, chưa sát và phù hợp với từng nhóm đối tượng; các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Điều đáng lưu tâm là nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Theo đó, để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. “Cần chuyển đổi mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực giữa nam giới và nữ giới. Điều này liên quan đến thách thức các quan niệm truyền thống về nam tính. Để làm được việc này, nam giới cần đặt câu hỏi cho chính hành động và lời nói của mình, trong các mối quan hệ ở cấp độ cá nhân, liên ngành, xã hội và chịu trách nhiệm cho sự thay đổi. Tôi tin rằng ngay cả những người đàn ông là thủ phạm gây ra bạo lực có thể thay đổi thái độ và tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái nếu chúng ta tạo ra không gian và sự hỗ trợ để họ nhận thức rõ” - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez nhấn mạnh.
Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là quyền lợi của phụ nữ, mà còn là mục tiêu của một đất nước muốn phát triển bền vững. Bởi, nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, mọi công dân bất kể nam hay nữ thì điều đó thật đáng tiếc. Do vậy, đấu tranh cho quyền phụ nữ và bình đẳng giới là cần thiết và ý nghĩa trong mọi thời điểm./.
Thái Yến
(Tác phẩm dự thi viết về Bình đẳng giới năm 2018)