Lao động
Biên bản ghi nhớ tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới áp dụng mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam
07:03 AM 02/07/2019
(LĐXH)- Ngày 01/7/2019, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cùng đại diện các Bộ, ngành có liên quan của hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới việc áp dụng mô hình đào tạo KOSEN tại các trường cao đẳng của Việt Nam giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) Việt Nam (dưới đây gọi tắt là DVET) và Tổ chức các trường KOSEN Nhật Bản (dưới đây gọi tắt là Tổ chức KOSEN).
Ngày 13/01/2017, Tổ chức KOSEN đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với DVET về hợp tác trong lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó  hai cơ quan đã bắt đầu triển khai nhiều hoạt động, công việc triển khai áp dụng mô hình KOSEN tại Việt Nam.
Liên quan đến việc triển khai mô hình KOSEN, trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam - Nhật Bản, đã có những thỏa thuận chung như sau:
Trong “Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản” ngày 06/6/2017 có đoạn “26. Hai bên cũng hợp tác thiết lập văn phòng của Tổ chức KOSEN (NIT) tại Hà Nội nhằm góp phần cải thiện chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam”;
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chứng kiến việc trao Biên bản ghi nhớ giữa DVET và Tổ chức KOSEN 
Trong “Tuyên bố chung Nhật Bản - Việt Nam nhân dịp Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang sang thăm Nhật Bản cấp nhà nước” ngày 31/5/2018 có đoạn “17. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm thiết lập văn phòng đại diện của Tổ chức các trường KOSEN Nhật Bản (Tổ chức KOSEN), nghiên cứu để áp dụng mô hình giáo dục KOSEN của Nhật Bản”;
Tổ chức KOSEN Nhật Bản với sự hỗ trợ của Bộ Lao động – TBXH đã tổ chức được “Diễn đàn KOSEN tại Hà Nội” vào ngày 03/7/2018 và ở đó đã tuyên truyền, quảng bá được về những hoạt động hợp tác của hai cơ quan trong việc triển khai mô hình KOSEN tới các đại biểu tham dự của Việt Nam.
Mục đích của Biên bản ghi nhớ là tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác hướng tới phát triển mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Các nội dung hợp tác: Thành lập Văn phòng đại diện KOSEN tại Việt Nam; Tổ chức xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo mô hình KOSEN cho hệ 03 năm và 05 năm tại các trường thí điểm; Triển khai tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ quản lý, giáo viên về đào tạo theo mô hình KOSEN tại các trường KOSEN Nhật Bản và tại Việt Nam; Tổ chức trao đổi giáo viên, sinh viên; Chuyển giao phương pháp giảng dạy, tài liệu giảng dạy theo mô hình KOSEN; Trao đổi thông tin về thiết bị đào tạo, vật liệu thí nghiệm và tư vấn kỹ thuật trong khuôn khổ thực hiện thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN; Thúc đẩy hoạt động hợp tác, gắn kết giữa các trường đào tạo theo mô hình KOSEN và các doanh nghiệp của hai nước; Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi về việc phát triển mô hình KOSEN tại Việt Nam; Xem xét việc thành lập" Ủy ban chứng nhận KOSEN ", kiểm tra các điều kiện tốt nghiệp của những sinh viên đã được giáo dục theo mô hình của Trường Cao đẳng Công nghệ Nhật Bản (KOSEN) và cấp chứng chỉ KOSEN.
Theo Biên bản ghi nhớ thì trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đề xuất cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN tại Việt Nam; Lựa chọn các trường và ngành, nghề thực hiện thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN tại Việt Nam; Phối hợp với Tổ chức KOSEN tổ chức tập huấn ngắn hạn, dài hạn; tổ chức các hội nghị, hội thảo và triển khai các hoạt động hợp tác khác liên quan tới việc phát triển mô hình KOSEN tại Mục 3 của Biên bản thỏa thuận này.
Đối với Tổ chức KOSEN sẽ hỗ trợ kỹ thuật và các tư vấn cần thiết khác để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các bên tại Mục 3 của Biên bản thỏa thuận này; Kết nối để sinh viên tham gia chương trình KOSEN tại Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ sư bậc cao hoặc làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Nguồn ngân sách thực hiện Biên bản ghi nhớ này bao gồm: Từ đóng góp của các bên (do các bên thỏa thuận và quyết định tỷ lệ đóng góp tùy vào từng nội dung thực tế); Từ tài trợ của các Dự án (Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới...) (do các bên hoặc từng bên vận động); Các nguồn hợp pháp khác phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và Nhật Bản.
Biên bản ghi nhớ này là cơ sở để các bên triển khai các kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Biên bản ghi nhớ này sẽ được rà soát và sửa đổi 05 năm một lần. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những nội dung ngoài Biên bản ghi nhớ này thì các bên cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất.

Chí Tâm