Xã hội
BHXH Việt Nam: Vấn đề an toàn quỹ được đặt lên hàng đầu
03:01 PM 16/08/2021
(LĐXH) - Tại Phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020 vừa qua, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: BHXH Việt Nam đặt vấn đề an toàn quỹ lên hàng đầu theo hướng phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được chi trả đúng quy định.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có nội dung về lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu… Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm hơn 2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Hình thức tuyên truyền được đổi mới, tăng cường các hoạt động tuyên truyền theo hướng đối thoại chính sách với NLĐ và người SDLĐ, tọa đàm trực tuyến, trả lời qua Cổng Thông tin điện tử hoặc hòm thư công vụ để tăng hiệu quả tương tác giữa cơ quan nhà nước và đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo cơ quan BHXH thực hiện đúng theo lộ trình thay thế sổ BHXH bằng thẻ BHXH thông qua việc triển khai ứng dụng VssID; ban hành Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 4/8/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; chỉ đạo cơ quan BHXH đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, số người tham gia BHXH dù có tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của NLĐ và người SDLĐ trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BH thất nghiệp gặp nhiều hạn chế. BH thất nghiệp chưa thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, hỗ trợ NLĐ tiếp tục quay trở lại thị trường lao động sau khi bị mất việc làm.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan báo cáo tại phiên họp (nguồn: Internet)
Chính vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, về quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng- hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại Khoản 2, Điều 92 Luật BHXH về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BH thất nghiệp tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm đây thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Dự toán và các chỉ tiêu về BHXH, BHYT năm 2020 được xây dựng vào cuối năm 2019- thời điểm chưa có dịch Covid-19. Đến đầu năm 2020 bắt đầu xuất hiện dịch bệnh và đến giữa năm 2020 lại thiên tai nặng nề tại 10 tỉnh miền Trung. Song, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ các bộ, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH và thống nhất không điều chỉnh chỉ tiêu, cố gắng hoàn thành. Hết năm 2020, cơ bản các chỉ tiêu đều hoàn thành theo lộ trình, từ độ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT đến công tác thu cũng như các chỉ tiêu khác.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp các vướng mắc, bất cập của chính sách; đánh giá tác động liên quan việc triển khai chính sách cũng như những dự kiến sửa đổi để thống nhất thực hiện, trong đó có nhiều dự kiến sẽ đưa vào sửa Luật BHXH tới đây.
Liên quan độ bao phủ BHXH bắt buộc tăng không nhanh như BHXH tự nguyện như các đại biểu đặt vấn đề, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ rõ: 7 tháng đầu năm 2021, BHXH tự nguyện tăng so với cùng kỳ và tiếp tục tăng- điều này do ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã xác định, để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHXH thì phải tăng số lượng BHXH tự nguyện lên. Đối với BHXH bắt buộc, ngành BHXH Việt Nam đã sử dụng các biện pháp quản lý như liên thông dữ liệu với cơ quan Thuế… nên đã phát hiện nhiều người chậm đóng, trốn đóng, không khai báo và đã tăng số người tham gia.
BHXH Việt Nam cũng giao chỉ tiêu phát triển cho từng cán bộ BHXH cấp cơ sở để vận động người tham gia BHXH tự nguyện. Tại các cơ sở đã vận động người tham gia BHXH tự nguyện có khó khăn và cơ quan BHXH đã đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng vào cuộc. “Năm 2020, chúng tôi đã làm việc với các đồng chí Bí thư đưa chỉ tiêu này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, sau đó giao Ban Cán sự các tỉnh, huyện, xã… cùng vào cuộc với ngành BHXH Việt Nam để vận động người dân tham gia. Đây là con số thực chất, người dân hiểu được chính sách và tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện, có ý nghĩa và bù đắp vào số bắt buộc”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại phiên họp (nguồn: Internet)
Nhấn mạnh những khó khăn trong công tác thu, thu hồi nợ BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ứng dụng VssID ra đời, đã giúp NLĐ tra cứu được quá trình đóng-hưởng BHXH, BHYT hàng tháng của mình. Theo đó, khi mở ứng dụng, NLĐ sẽ thấy mình được đóng hay không; từ đó có ý kiến với cơ quan BHXH và người SDLĐ để kịp thời được đóng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý hình sự đối với những hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn nhiều khó khăn. Về công tác quản lý quỹ BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, BHXH Việt Nam đặt vấn đề an toàn quỹ lên hàng đầu theo hướng phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được chi trả đúng quy định.
Cho ý kiến tại phiên thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và một số cơ quan liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản kịp thời, vừa để thuận tiện trong quản lý điều hành, vừa để điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ, người SDLĐ tiếp cận với các chính sách BHXH, BH thất nghiệp cũng như hỗ trợ cho người SDLĐ, NLĐ, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Theo ông Đặng Thuần Phong, năm 2020 và những tháng đầu 2021, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách. Thường trực Ủy ban và các đại biểu cũng đánh giá cao kết quả hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra, khi đã phát hiện được một số vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan có liên quan cần báo cáo cụ thể hơn về tỷ lệ chấp hành kết quả thanh tra, kiểm tra, đã thu hồi được bao nhiêu, việc chấp hành của các đon vị bị thanh tra, kiểm tra thế nào...
Bên cạnh đó, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 5% trong các năm qua, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Do đó, đề nghị bộ chủ quản cần theo dõi vấn đề này.
Một số đại biểu cũng đánh giá cao việc cải cách TTHC và ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành. Năm 2020, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử; phối hợp với các ngân hàng trong kết nối thanh toán điện tử song phương; thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Đặc biệt, ứng dụng VssID trên thiết bị di động cho người dân đã hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng thẻ BHYT điện tử và sổ BHXH điện tử theo quy định của Luật BHXH và Luật BHYT, góp phần công khai, minh bạch và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT.
PV