Xã hội
Bệnh lý tâm thần trong giới trẻ - Mã bệnh về mạng xã hội?
04:02 PM 06/12/2017
(LĐXH) - Ths.BS.Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cho biết, ngày càng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do "nghiện" mạng xã hội. Người bệnh thường được gia đình đưa đến viện vì một hoặc đầy đủ các dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm thần do mạng xã hội.

Theo thống kê, sau 20 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet, đến tháng 6/2017, cả nước đã có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64 triệu người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên. Tại thời điểm năm 2015, thống kê của Facebook cho thấy ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày 3/4 số người dùng độ tuổi từ 18 - 34 tuổi đã dành ra khoảng 2,5 giờ để vào faebook.

Việt Nam là một trong những nước có số người sử dụng internet cao

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, làm việc, nó còn gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khoẻ, trong đó điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần - gốc vấn đề ngay từ chính sự vô cảm trong giao tiếp và sự thu mình của giới trẻ. Đáng lưu ý, ở độ tuổi dễ bị kích động không ít những bạn trẻ tự làm hại mình khi sử dụng không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ.

Theo thạc sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An, mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian giao tiếp công cộng của giới trẻ, xu hướng đang chuyển từ truyền thông liên cá nhân sang truyền thông đại chúng, mạng xã hội là tác nhân gây ra tình trạng giảm giao tiếp trong không gian thực giữa con người với nhau. Nghiện mạng xã hội thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng mạng thành thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Đây cũng là một dạng bệnh lý về tâm thần.

Nguy cơ mắc tâm thần vì nghiện mạng xã hội

Theo các tài liệu khoa học, Bác sĩ Mubarak Rahamathulla (chuyên gia về Internet và sức khỏe tâm thần ở Trường ĐH Flinders - Úc) khuyến cáo rằng những người sử dụng Internet thường xuyên, nhất là người nghiện Internet thường dễ có xu hướng lệch lạc hành vi. Đặc biệt, các mối quan hệ trên thế giới ảo của họ thường có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Khẳng định này tương đồng với kết quả khảo sát của The Royal Society of Public Health and the Young Health Movement (Anh) tiến hành với gần 1.500 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 - 24 về tác hại của các trang mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần người trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy rằng các mạng xã hội mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ như chứng lo âu, trầm cảm, ít giao tiếp, mất ngủ, cảm thấy cô đơn...

Tình hình đáng báo động khi số liệu thống kê trên trang Social Media Today cho thấy, giới trẻ Việt Nam dành ra trung bình 9 tiếng/ngày để vào mạng xã hội. Những người có các dấu hiệu như vào mạng liên tục, cứ 30 phút lại vào mạng một lần, dành cả thời gian ban đêm để lên mạng... họ thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội và rất khó để nhận biết và kiểm soát được trạng thái này. Và nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe, thậm chí mắc bệnh tâm thần là điều rất dễ xảy ra.

Mô phỏng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về sự lệ thuộc của giới trẻ vào mạng xã hội

Ths.BS.Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cho biết, ngày càng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do "nghiện" mạng xã hội. Người bệnh thường được gia đình đưa đến viện vì một hoặc đầy đủ các dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm thần do mạng xã hội: luôn cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, lo âu, tìm cách để thỏa mãn; hay cáu gắt, tức giận vô cớ khi bị nhắc nhở; tinh thần suy nhược, sút cân không kiểm soát; không muốn nói chuyện, tiếp xúc với người xung quanh; cảm thấy có tiếng nói trong đầu, xui khiến, ra lệnh; phản xạ bất thường, hành động thiếu kiểm soát.

Khảo sát nhanh tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần" do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức đối với một số đại diện cơ quan truyền thông về các dấu hiệu rối loạn tâm thần, dễ dàng nhận thấy hầu như ai cũng đang mắc một hoặc nhiều dấu hiệu trầm cảm. Trên thực tế, nói một cách đơn giản về mặt chuyên môn, trầm cảm (theo từng mức độ) là một dạng bệnh tâm thần. Trong khi đó, theo thống kê gần đây của Viện Sức khoẻ tâm thần Trung ương thì tỷ lệ người Việt Nam có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15 - 20% dân số. Bệnh tâm thần rất phổ biến trong cộng đồng, con số thống kê chưa đầy đủ được nêu ra là: Trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%, nghiện rượu, ma túy, game online đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng... Điều này có nghĩa là bệnh tâm thần là bệnh thường gặp trong cộng đồng, thậm chí trong trong mỗi giai đoạn cuộc đời mỗi chúng ta. Bệnh tâm thần không chỉ là biểu hiện bất thường mà xã hội lâu nay định kiến, hình dung. Mà nó là những biểu hiện, triệu chứng xuất hiện đâu đó trong cuộc sống của mỗi người. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại làm tăng các áp lực cho các cá nhân, gia đình, cộng với những vấn đề xã hội khác khiến gia tăng tình trạng bệnh nhân mắc các chứng tâm thần, như: Rối nhiễu tâm trí, căng thẳng thần kinh dẫn đến stress, trầm cảm... đã trở thành một vấn đề gây trở ngại rất lớn đến các chương trình nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Bác sỹ Vũ Công Nguyên: "Bệnh trầm cảm có thể chữa trị được thông qua

nhân viên công tác xã hội"

Vấn đề này đã và đang là khó khăn lớn đối với không chỉ ngành Y tế vì hiện tại chưa có mã bệnh về nghiện Facebook, song rất nhiều bệnh nhân được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc dùng mạng xã hội, mặt khác thách thức lớn đang thuộc về những người làm công tác xã hội. Bởi công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đặc thù, xuất phát từ tính đặc thù của bệnh tâm thần dựa trên căn nguyên của bệnh là đa yếu tố, trong đó, yếu tố môi trường xã hội là quan trọng.

Chất lượng công tác xã hội và vấn đề sức khỏe tâm thần

Xã hội ngày càng phát triển, y học hiện đại hơn, nhu cầu sử dụng các dịch vụ công tác xã hội để giúp bản thân mỗi người tìm hướng cân bằng hơn trong cuộc sống là điều dễ lý giải, nhất là khi người ta đang chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống. Tại thời điểm này, sự kết hợp giữa can thiệp bằng thuốc với trị liệu tâm lý và tiếp cận các dịch vụ xã hội là cực kỳ quan trọng đối với những người mắc trầm cảm. Phát hiện và can thiệp sớm ở cộng đồng có thể cải thiện cuộc sống người bệnh, tăng hoạt năng và sẽ giúp người bệnh tiếp cận kịp thời các dịch vụ và những nguồn lực giúp những người có nguy cơ tự tử cao, gia đình của họ đề phòng chống tự tử cho người có nguy cơ và kiểm soát ảnh hưởng tiêu cực cho các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, kết nối người bệnh với cơ hội việc làm, nhà ở, học tập, tham gia vào các hoạt động cộng đồng và các hoạt động có thể gia tăng cơ hội cho người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình đem lại phục hồi cho người bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trả lời báo chí về một số định hướng về nghề công tác xã hội đối với người tâm thần trong thời gian tới

Trị liệu tâm lý trong điều trị trầm cảm là phương pháp trị liệu giúp người bệnh phát triển các kỹ năng để cải thiện tâm trạng và hoạt năng; xây dựng phương thức đối đầu hiệu quả với các căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày là phương pháp trị liệu hết sức cần thiết đối với người bị bệnh trầm cảm. Trong tất cả các quá trình này, sự phối kết hợp hiệu quả giữa cán bộ y tế và cán bộ công tác xã hội sẽ là “cứu cánh” để giải quyết các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, trầm cảm, rối loạn tâm thần./.

 

 Nguyễn Đăng Doanh